• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền thông thay đổi hành vi đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS

Thế giới đã trải qua hơn 30 năm đối mặt với dịch HIV/AIDS nhưng cho đến nay dịch vẫn đang tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh này truyền thông thay đổi hành vi để làm tăng nhận thức, trách nhiệm và làm thay đổi hành vi của mọi người dân trong xã hội về dự phòng lây nhiễm HIV vẫn là một giải pháp không thể thiếu được và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

Truyền thông thay đổi hành vi giúp nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS, các con đường lây truyền HIV, các đường không lây truyền, các hành vi nguy cơ và các hành vi không làm lây truyền HIV, các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, v.v… Khi cộng đồng hiểu biết đúng và đầy đủ sẽ có thái độ, hành vi đúng về dự phòng lây nhiễm HIV; chấp nhận, gần gũi, chia sẻ và giúp người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng, giúp họ cảm thấy họ vẫn được cộng đồng đùm bọc, từ đó họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ cho những người khác.

Bên cạnh đó, truyền thông thay đổi hành vi còn nhằm khuyến khích cộng đồng chủ động tham gia vào các hoạt động tìm hiểu, thảo luận và đối thoại về các hành vi nguy cơ và các yếu tố làm tăng hoặc giảm các hành vi nguy cơ. Từ đó tạo ra nhu cầu về thông tin, dịch vụ và thúc đẩy hành động, thực hiện hành vi an toàn để làm giảm nguy cơ, phòng lây truyền HIV cho bản thân và cho mọi người xung quanh.

Truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS còn giúp định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật và các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS, kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị liên quan đến nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế, xã hội khác, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người thực hiện hành vi an toàn.

Tại Thái Bình đã tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, và báo chí. Các chiến dịch này tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác về HIV/AIDS, các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh. Sử dụng các hình ảnh sinh động, video và câu chuyện thực tế, các chiến dịch đã giúp nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cộng đồng.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, Thái Bình đã tận dụng các nền tảng trực tuyến như Facebook, Website để truyền tải thông điệp phòng chống HIV/AIDS. Các bài viết, video trên mạng xã hội giúp tiếp cận nhanh chóng đến đối tượng trẻ tuổi và những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Đây là một phương pháp hiệu quả trong việc lan truyền thông tin và khuyến khích hành vi an toàn. Tiếp cận người dân qua việc cung cấp test tự xét nghiệm HIV tại nhà miễn phí, vật dụng can thiệp giảm hại (bao cao su và bơm kim tiêm) thông qua Website tuxetnghiem.vn.

Như vậy có thể thấy truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS đã góp phần nâng cao trách nhiệm và sự quan tâm của các cấp, các ngành, thu hút dư luận xã hội ủng hộ cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và duy trì bền vững những thành quả đạt được.

Sen Hoàng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết