Hội nghị trực tuyến tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Với mục đích giúp các cán bộ y tế cập nhật, quản lý hiệu quả dữ liệu y tế toàn dân, cảnh báo khu vực có dịch; phân tích, đánh giá đúng thông tin dịch tễ, triệu chứng của những người liên quan đến dịch Covid-19 ở các địa phương, kịp thời có biện pháp xác minh, tiếp cận, cách ly khi cần thiết, góp phần tích cực khống chế, kiểm soát dịch bệnh, sáng ngày 15/3/2020 Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho tất cả lãnh đạo, cán bộ y tế tại 63 đầu cầu tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, những ngày qua Việt Nam liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, hầu hết do xâm nhập từ nước ngoài và là nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ra 05 vấn đề trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay như sau:
Thứ nhất, đối với chiến lược phòng chống dịch bệnh, Việt Nam kiên trì chiến lược đã đề ra nhưng có những thay đổi cho phù hợp hơn. Trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm, kiên trì ngăn chặn nguồn lây (ca bệnh) xâm nhập.
Thứ hai, Việt Nam tiếp tục thực hiện cách ly, cách ly triệt để. Thời gian qua Việt Nam làm tốt việc này. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá điều thành công nhất của Việt Nam chính là cách ly.
Thứ ba, về việc điều trị, cách thức Việt Nam đang áp dụng là: Trong giai đoạn đầu, chỉ tập trung điều trị những ca bệnh ở tuyến cao nhưng cũng đang tiếp tục phân tuyến tất cả các tuyến, kể cả tuyến xã."Quan điểm của chúng ta là không tập trung mà phân tán tất cả các tuyến, ca nặng điều trị tuyến trên".
Thứ tư, về vấn đề xét nghiệm Covid-19. Tiến tới sẽ mở rộng hơn các đối tượng xét nghiệm, đẩy nhanh công suất xét nghiệm lên rất nhiều. Các đơn vị được yêu cầu trả kết quả trong vòng 24h, tới đây cố gắng rút ngắn hơn thời gian trả kết quả.
Thứ năm, áp dụng công nghệ thông tin, là một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể áp dụng tờ khai điện tử, nhắn tin với tất cả người dân trên cơ sở quan điểm minh bạch, không dấu giếm.
Để thực hiện tốt 05 vấn đề trên, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế rất quan trọng bao gồm: kê khai y tế bắt buộc với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và kê khai y tế toàn dân tự nguyện.
Tập đoàn VNPT và tập đoàn Viettell đã giới thiệu tổng quan về các ứng dụng CNTT hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 đang được sử dụng hiện nay; hướng dẫn cài đặt, đăng ký và sử dụng ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân và hệ thống giám sát dịch bệnh Covid-19 trực tuyến trên phần mềm mang tên Ncovi. Ứng dụng này cho phép người dân khai báo thông tin sức khỏe của bản thân, gia đình mọi lúc, mọi nơi hoặc phản ánh thông tin bệnh dịch, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống. Đây là một ứng dụng tương tác hai chiều. Ứng dụng này sẽ giúp người dân được tiếp cận thông tin về dịch bệnh nhanh chóng, biết được khu vực nào có dịch, khu vực nào an toàn và bản thân có nguy cơ lây nhiễm hay không. Đồng thời người dân được hướng dẫn cách phòng tránh dịch, cập nhật thống kê và thông tin dịch bệnh liên tục, được hỗ trợ y tế kịp thời khi gặp các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Về phía cơ quan quản lý, ứng dụng sẽ giúp quản lý những thông tin của người dân thông qua việc kê khai của họ và các thông tin di chuyển của các đối tượng cần theo dõi đặc biệt liên quan đến bệnh dịch để ngăn chặn, khoanh vùng phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Điều quan trọng nữa là tất cả các thông tin trên ứng dụng sẽ được bảo mật và quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng và chỉ được sử dụng vào mục đích phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.
Thanh Tâm