Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
Bệnh phụ khoa là bệnh lý liên quan đến cơ quan sinh dục ở nữ giới phổ biến nhất ở độ tuổi sinh sản. Bệnh phụ khoa phần lớn ít khi gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu tình trạng bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe sinh sản, chất lượng cuộc sống của chị em và hạnh phúc gia đình.
Theo thống kê của cơ quan y tế, có đến 90% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh phụ khoa.Các bệnh phụ khoa thường gặp gồm: Viêm âm đạo; Viêm lộ tuyến cổ tử cung; U nang buồng trứng; U xơ tử cung; Ung thư cổ tử cung; Buồng trứng đa nang; Viêm vùng chậu; Tắc vòi trứng; Các bệnh xã hội: Lậu, Giang mai, Sùi mào gà….
1.Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mắc các bệnh phụ khoa là:
- Vệ sinh kém: Do thiếu nước sạch, quần áo ẩm ướt, chị em phải lội trong nước bẩn sau bão lũ, vùng kín bị ẩm tạo cơ hội cho nấm, vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm khuẩn âm hộ - âm đạo. Ngược lại, nếu vệ sinh quá nhiều lần trong ngày hoặc vệ sinh quá sâu bên trong, cũng có thể làm mất cân bằng môi trường và giảm khả năng tự bảo vệ của âm đạo.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Nhiều bệnh phụ khoa có thể lây qua đường tình dục từ nam sang nữ nếu không sử dụng bao cao su để bảo vệ, đó là các loại virus, vi khuẩn, nấm như HPV, HSV, Chlamydia, Trichomonas, Lậu cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae, Trực khuẩn, Xoắn khuẩn Treponema pallidum, các vi khuẩn kị khí…có thể xâm nhập vào gây viêm cổ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, viêm tử cung và phần phụ…
- Các yếu tố khác: Stress, thay đổi môi trường đột ngột, các thủ thuật phụ khoa không an toàn, phụ nữ ở tuổi mãn kinh…cũng làm giảm sức đề kháng, cơ thể dễ mắc các bệnh phụ khoa.
2. Cách phòng các bệnh phụ khoa
2.1.Vệ sinh vùng kín đúng cách
Cần tắm rửa, giữ vệ sinh cơ thể hàng ngày. Đặc biệt vào mỗi chu kỳ kinh nguyệt cần chú ý vệ sinh, nên thay băng vệ sinh 4 tiếng một lần, vệ sinh vùng kín bằng nước ấm 2 lần trong ngày. Sử dụng quần áo sạch sẽ, giữ vùng kín khô thoáng.
Không nên sử dụng các dung dịch vệ sinh có nồng độ PH không phù hợp, không dùng chất tẩy mạnh, xịt tạo mùi vùng kín làm tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong âm đạo, mất cân bằng độ PH tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.
Không thụt rửa âm đạo gây tổn thương vùng kín.
2.2.Thực hiện tình dục an toàn
Các bệnh phụ khoa hầu như bị lây nhiễm trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn. Do vậy, sử dụng các biện pháp an toàn như dùng bao cao su không chỉ có tác dụng tránh thai mà còn ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng cần duy trì lối sống lành mạnh, không quan hệ tình dục với người nghi hoặc mắc bệnh đường sinh dục hoặc sử dụng bao cao su để bảo vệ.
2.3. Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý
Xây dựng một thói quen ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn chăm sóc cơ thể tốt từ bên trọng. Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, các loại dinh dưỡng đảm bảo năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể.
Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe
Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
2.4. Đi khám phụ khoa định kỳ
Chị em nên xây dựng thói quen đi khám phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, nếu bệnh phụ khoa có các dấu hiệu rõ ràng thì thường bệnh đã ở giai đoạn nặng. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe chị em và phát sinh chi phí điều trị. Vì vậy, chị em nên chủ động đi khám phụ khoa, biết cách vệ sinh phòng bệnh để ngăn ngừa không bị mắc các bệnh phụ khoa, góp phần bảo vệ sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nâng cao chất lượng nòi giống.