• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị Đột quỵ não

Nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về mô hình hoạt động đơn vị đột quỵ, giúp cán bộ y tế cập nhật kiến thức về chẩn đoán, điều trị đột quỵ não, chiều ngày 20/9/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “ Cập nhật tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị Đột quỵ não”.

Tham gia Hội thảo, về phía khách mời có: PSG.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai; TS.BS Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng khoa Can thiệp mạch thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng khoa Đột quỵ - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp. Về phía BVĐK tỉnh Thái Bình có Ban lãnh đạo Bệnh viện; cùng cán bộ các khoa/phòng chuyên môn và trên 200 đại biểu đến từ bệnh viện Đa khoa các huyện/ thành phố trong tỉnh.

Hiện nay, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, độ tuổi mắc ngày càng trẻ hóa. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận hàng nghìn ca đột quỵ, chính vì vậy bệnh viện đã có chủ trương thành lập Đơn vị Đột quỵ trực thuộc Trung Tâm cấp cứu và đột quỵ. Đồng chí giám đốc Bệnh viện hy vọng rằng, hội thảo sẽ giúp cho đội ngũ bác sĩ nắm bắt được những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ não, trao đổi kinh nghiệm về phương thức hoạt động, quy trình vận hành đơn vị đột quỵ từ đó ứng dụng vào thực tiễn công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Tại hội thảo, PSG.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã trình bày về những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, cập nhật nhận diện và xử trí điều trị đột quỵ não, quy trình cấp cứu đột quỵ não trước viện; tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ tại viện; các phương pháp tái thông và các bước để đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân.

Liên quan đến phương pháp tái thông mạch máu não trong điều trị đột quỵ não, TS.BS Nguyễn Trọng Tuyển – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh: hiện nay, các kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não rất đa dạng như hút huyết khối trực tiếp bằng ống hút lòng rộng, lấy huyết khối bằng Stent, nong bóng và đặt Stent. Một số kỹ thuật mới cũng đã được triển khai như lấy huyết khối bằng kỹ thuật Solumbra, SAVE, ARST, BADDASS … Các kỹ thuật tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học ngày càng phát triển với các kỹ thuật mới và dụng cụ mới chính vì vậy cần cá thể hoá từng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Đại diện cho Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng khoa Đột quỵ đã chia sẻ một số kinh nghiệm về quá trình thành lập, tổ chức hoạt động, quy trình chuyên môn, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Khoa đột quỵ, BV Hữu Nghị Việt Tiệp.

DS Nguyễn Thanh Hải - Chuyên viên tư vấn chương trình Angels cũng đã giới thiệu chương trình Angels, đây là một sáng kiến chăm sóc sức khỏe toàn cầu mang tính phi thương mại được hỗ trợ về chuyên môn bởi Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), Tổ chức Đột quỵ Châu Âu (ESO) để đạt được mục tiêu cải thiện hệ thống chăm sóc bệnh nhân đột quỵ trên toàn thế giới bao gồm cả Việt Nam…

Tại Thái Bình, kết quả điều trị tái thông trong đột quỵ não cấp của bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cho thấy, Bệnh viện đã xây dựng quy trình cấp cứu và điều trị Đột quỵ não tại Khoa cấp cứu theo định hướng Nhận diện sớm – vận chuyển nhanh – chẩn đoán nhanh – điều trị kịp thời. Chỉ tính riêng trong 2 tháng qua, Khoa đã triển khai điều trị tiêu sợi huyết cho 16 bệnh nhân đột quỵ não, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, hạn chế được những di chứng nặng nề cho bệnh nhân. Phương pháp này đã mở ra hướng đi mới trong công tác xử trí và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ ngày một tốt hơn.

Thông qua buổi hội thảo, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật rất nhiều những tiến bộ trong điều trị đột quỵ. Qua đó, góp phần củng cố các kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, giúp các bác sĩ có biện pháp xử trí nhanh, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tử vong cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân đột quỵ trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết