• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống bệnh Tay chân miệng ở vùng bão lũ, ngập lụt

Theo số liệu thống kê báo cáo của Sở Y tế Thái Bình, trong tháng 8 năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 28 trường hợp mắc Tay chân miệng (TCM), các ca mắc tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, không ghi nhận ca tử vong...

Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh bị ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua, vì vậy môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước ngập kéo theo vi khuẩn gây nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong đó có bệnh Tay chân miệng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình gửi tới quí vị và các bạn một số nội dung phòng, chống bệnh TCM sau đây:

 Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, do vi rút đường ruột gây ra, dễ lan thành dịch, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc chữa bệnh đặc hiệu.

Đặc điểm bệnh Tay chân miệng

- Lành tính: Bệnh thường nhẹ, phần lớn người bệnh hồi phục từ 7 - 10 ngày, chỉ cần giữ vệ sinh, thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao sức đề kháng cho trẻ mà không cần điều trị bằng thuốc. Nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, dù có biểu hiện nặng cũng có thể chữa khỏi và không để lại di chứng nặng nề.

- Nguy hiểm: Nếu không được phát hiện và chăm sóc đúng cách, các dấu hiệu bệnh sẽ chuyển nặng hơn, người bệnh có thể tử vong. Phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.

- Lứa tuổi dễ mắc bệnh: Ai cũng có thể mắc nhưng bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi vì khả năng đề kháng và miễn dịch ở lứa tuổi này còn yếu.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có khả năng lây nhiễm cao và truyền bệnh sang con trong thời gian mang thai hoặc trong khi sinh.

Đường lây truyền

Bệnh TCM lây từ người sang người qua đường tiêu hoá: ăn uống hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ, phân của người bệnh...

Biểu hiện của bệnh

Trẻ sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng, chán ăn.

Xuất hiện các vết loét ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi; vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ.

Biểu hiện nặng của bệnh

Trẻ sốt trên 39 độ C, bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên.

Nặng hơn nữa, trẻ lừ đừ, run chân tay, trợn mắt, rung giật cơ, nhịp tim nhanh, thở nhanh, có thể dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tử vong.

Những việc cần làm khi trẻ mắc bệnh Tay chân miệng

Đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM.

Nếu trẻ được xác định mắc bệnh TCM, cần thông báo cho địa phương và nhà trường nơi trẻ đang theo học để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh.

Nếu trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc và theo dõi  trẻ tại nhà. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, cần thực hiện:

Cho trẻ ở phòng riêng, cách ly với những trẻ khác trong gia đình.

Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trẻ trong phòng kín gió bằng xà phòng sát khuẩn. Vệ sinh răng, miệng, lưỡi cho trẻ hàng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.

Cho trẻ ăn thức ăn nhẹ, dễ tiêu như cháo, súp; cho trẻ uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả để bổ sung vitamin.

Đưa trẻ đi khám lại theo hẹn của bác sĩ hoặc đi khám ngay nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nặng để được chữa trị kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh Tay chân miệng

1.Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vệ sinh cho trẻ.

2.Thực hiện ăn chín, uống chín; rửa sạch vật dụng ăn uống trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

3.Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống (cốc, bát, đĩa, thìa), chơi đồ chơi chưa được vệ sinh hoặc khử trùng.

4.Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

5.Bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt. Phải xử lý nước nhiễm bẩn đúng cách trước khi sử dụng cho sinh hoạt trong trường hợp khẩn cấp (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn...), không có nước sạch.

6.Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Không đi tiêu bừa bãi, không sử dụng cầu tiêu ao cá. Thu gom, xử lý phân, chất thải của trẻ trước khi đổ vào nhà tiêu.

7.Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện dấu hiệu mắc bệnh, đưa trẻ đi khám, chữa bệnh kịp thời.

8.Cách ly trẻ bị bệnh ít nhất là 10 ngày kể từ khi phát hiện dấu hiệu của bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh TCM đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Hiện nay, miền Bắc đang vào mùa mưa bão, kéo theo hiện tượng lũ lụt, ngập úng có thể diễn ra thường xuyên. Đây là nguy cơ gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người, nhất là người già, trẻ em. Vì vậy, mỗi cá nhân, gia đình cần phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa như trên để phòng bệnh TCM cho trẻ em./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết