Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Uốn ván – Bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đối với trẻ dưới 1 tuổi, đã có vắc xin phòng bạch hầu ở mũi tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, tiêm lần đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó, cách 1 tháng tiêm 1 mũi. Khi trẻ được 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại, khi trẻ lên 4 đến 6 tuổi có thể tiêm nhắc lại 1 lần, trẻ lên 9 - 15 tuổi tiếp tục tiêm nhắc lại. Sau đó, cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần để nâng cao tính bảo vệ của vắc xin vì miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin bạch hầu thường kéo dài 10 năm, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian.
Thực hiện Công văn số 490/DP-TC ngày 24/9/2024 của Cục Y tế dự phòng; Công văn số 1185/VSDTTƯ ngày 17/10/2024; Sở Y tế ban hành Kế hoạch 170/KH-SYT ngày 28/10/2024 về triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Uốn ván – bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi.
Mục tiêu của chiến dịch đợt này là trên 90% trẻ 7 tuổi trong nhóm đủ điều kiện tham gia tiêm chủng trên toàn tỉnh được tiêm vắc xin Td, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ. Tỉnh Thái Bình triển khai tiêm cho đối tượng là trẻ 7 tuổi bao gồm học sinh lớp 2 năm học 2024-2025 tại trường học và trẻ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng. Chiến dịch này sẽ đồng loạt triển khai toàn tỉnh theo hình thức tiêm chủng vào 02 ngày 15-16/11/2024 trên địa bàn toàn tỉnh. Sau đó sẽ tổ chức tiêm vét trong tháng 11 để đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đề ra và có thể tiêm chủng bổ sung.
Vắc xin sử dụng trong kế hoạch là vắc xin Td do Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế sản xuất đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, loại 10 liều/1lọ. Từ năm 2019 đến 2024 cả nước đã có 3,8 triệu liều vắc xin Td được sử dụng cho trẻ từ 7 – 8 tuổi đảm bảo an toàn, chưa ghi nhận trường hợp tai biến nặng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối tổ chức tập huấn trước khi triển khai chiến dịch để hướng dẫn các bước triển khai, quy trình chuyên môn kỹ thuật và công tác thống kê báo cáo chiến dịch tiêm vắc xin Td cho cán bộ y tế cả 3 tuyến. Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm chủng và chiến dịch tiêm chủng vắc xin Td đợt này.
Sở Y tế yêu cầu:
- Các Trạm y tế địa phương chủ trì phối hợp với các nhà trường tổ chức điều tra, lập danh sách cụ thể tất cả trẻ đủ 7 tuổi và học lớp 2 tại các trường học; trực tiếp điều tra, lập danh sách trẻ đủ 7 tuổi không đi học tại cộng đồng để xác định đối tượng cần tiêm chủng vắc xin Td.
- Các bệnh viện: Nhi, Đa khoa tỉnh, huyện (trong và ngoài công lập) bố trí giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm (nếu có); Bố trí các đội cấp cứu lưu động, có đủ cơ số thuốc và trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng khi được điều động.
- Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí sẵn sàng các kíp trực, đầy dủ thuốc, phương tiện trang thiết bị để tham gia vận chuyển cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian diễn ra chiến dịch.
- Các cơ sở giáo dục bậc tiểu học phối hợp tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng tại các trường học đủ điều kiện, đồng thời gtăng cường truyên truyền đến các phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng thời gian, địa điểm theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Lưu ý: Không tiêm vắc xin Td trong phạm vi Kế hoạch 170/KH-SYT ngày 28/10/2024 cho các đối tượng có ít nhất 1 yếu tố sau:
- Trẻ dưới 7 tuổi.
- Đã được tiêm đủ 5 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trong quá khứ.
- Đã tiêm vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu trong vòng 1 tháng trước ngày tiêm.
Khẩu hiệu tuyên truyền cho chiến dịch:
Hãy đưa trẻ em đủ 7 tuổi đi tiêm vắc xin bạch hầu vào ngày 15-16/11 để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe.