Một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng tránh hiệu quả
Mùa Thu Đông, nhất là sau mùa bão lũ thường có nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh ngoài da. Việt Nam nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, đây là môi trường phù hợp cho nhiều loại bệnh ngoài da, dị ứng phát triển. Bệnh ngoài da thường gây khó chịu, dễ lây lan và khó điều trị dứt điểm. Bệnh ngoài da thông thường là lành tính nhưng lại đi kèm với cảm giác ngứa rát khó chịu cùng vấn đề về thẩm mỹ…Một số bệnh ngoài da có thể tái đi tái lại, khó điều trị dứt điểm và có thể lây lan cho người xung quanh. Nhiều người mất đi vẻ đẹp tự nhiên và thiếu tự tin với làn da của mình khi gặp các vấn đề về bệnh ngoài da.
Một số bệnh ngoài da thường gặp
1. Viêm da cơ địa
Đây là một trong những bệnh ngoài da thường gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa liên quan tới yếu tố di truyền và môi trường dẫn tới hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và rối loạn đáp ứng miễn dịch trên da.
Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện các đám mụn nước trên nền dát đỏ, chảy dịch nhiều. Vị trí hay gặp ở má, trán, cằm, có tính chất đối xứng, ngứa nhiều khiến bệnh nhân cào gãi dẫn tới tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn. Với người mắc bệnh viêm da cơ địa mạn tính, tổn thương dưới dạng dày da, sẩn cục, tăng sắc tố, vị trí mặt duỗi, nếp gấp đối xứng hai bên.
2. Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc gồm 2 loại viêm chính là viêm da tiếp xúc dị ứng và viêm da tiếp xúc kích ứng. Các biểu hiện ngứa và đôi khi đau rát. Những thay đổi trên da bao gồm ban đỏ, phù nề, mụn nước, bọng nước đôi khi phồng rộp và loét. Diện tích phát ban của bệnh thường được giới hạn và chỉ lan rộng ra khi bệnh trở nên nặng hơn.
3. Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến chiếm đến 10% tổng số người mắc bệnh ngoài da. Tuy không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng bệnh vảy nến làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Đây là loại bệnh có thể phát theo từng đợt và cũng có thể giảm theo mùa. Tổn thương dạng sần, mảng ranh giới rõ với da lành, trên phủ vảy trắng, dày, dễ bong. Sẩn mảng có màu đỏ tươi.Vị trí hay gặp vùng rìa chân tóc, tỳ đè, vùng hay bị cọ xát, sang chấn, đối xứng hai bên và thường ngứa nhiều.
4. Viêm da mủ
Đây là bệnh ngoài da thường xảy ra vào mùa hè. Vào thời điểm này, trời nóng nực và cơ thể tiết nhiều mồ hôi khi gặp tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn sẽ dễ mắc bệnh.
Những bệnh ngoài da thường gặp nằm trong nhóm viêm da mủ bao gồm viêm nang lông, mụn nhọt, chốc lở, hăm kẽ và ngoài ra còn bị chốc mép, chốc loét…
Bệnh viêm da cơ địa - Viêm da tiếp xúc - Vảy nến - Viêm da mủ theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới - Ảnh: BookingCare tổng hợp
5. Nổi mề đay - mẩn ngứa
Đây là một bệnh da liễu thường gặp và cũng gây ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh. Người bệnh càng gãi, càng động vào vùng da bị mề đay thì càng ngứa, có thể bị chảy máu và bị bội nhiễm.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như dị ứng với thuốc, với thức ăn, với một số chất kích ứng; Côn trùng cắn, đốt; Tiêu thụ quá nhiều những loại thức ăn chứa nhiều đạm, canxi. Biểu hiện: xuất hiện rải rác hoặc tập trung những nốt sẩn phù và mẩn đỏ, các nốt ban đầu chỉ ở một vùng nhỏ nhưng sau đó sẽ lan ra toàn thân. Ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt là vào chiều tối và đêm, có thể kèm theo khó thở, đau bụng, suy hô hấp,...
6. Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da phổ biến, bệnh do một loại côn trùng ký sinh trên da gây nên, có tên là Sarcoptes scabiei Hominis (cái ghẻ/ mạt ngứa) thường hay gặp vào mùa xuân – hè. Bệnh do ghẻ cái gây nên, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp. Bệnh ghẻ lây do nằm chung giường, mặc quần áo chung, lây qua tiếp xúc da khi quan hệ tình dục… Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh ghẻ. Hầu hết sự lây truyền bệnh ghẻ xảy ra mang tính chất gia đình vì nếu một thành viên trong nhà bị bệnh ghẻ thì khả năng những người khác trong gia đình sẽ dễ mắc bệnh theo.
Biểu hiện: Nổi mụn nước và ngứa ngáy dữ dội, đặc biệt vào ban đêm. Bề mặt da xuất hiện phát ban, sần ghẻ, đặc biệt thấy đường hầm ghẻ là các đường lằn da màu xám, trên có mụn nước vảy da, thường gặp ở các kẽ ngón tay, nếp gấp cổ tay.
7. Nấm da
Nấm da là bệnh có khả năng lây lan và tái phát khá cao. Căn bệnh này thường gặp nhất vào mùa hè hoặc sau mùa bão lũ do da bị ẩm thấp, nhiễm nấm gây ngứa cho người bệnh. Tùy vào dạng nấm da nào (nấm da toàn thân, nấm da đầu, nấm da mặt, nấm da tay, nấm da chân, nấm da đùi, nấm kẽ, nấm móng, hắc lào…) mà sẽ có những biểu hiện khác nhau. Bệnh nấm da rất dễ lây cho các vị trí khác trên cơ thể của bản thân và cho cả người khác.
8. Bệnh zona
Bệnh có biểu hiện ban đỏ, sau đó biến thành mụn nước gây đau đớn. Bệnh zona khiến da bị bỏng, ngứa ran hoặc trở nên rất nhạy cảm.Bệnh zona thường xuất hiện trên thân mình nhưng có cũng có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, dọc theo đường đi của các dây thần kinh.. Thường bệnh sẽ kéo dài khoảng hai tuần.
Biểu hiện: Mệt mỏi, sốt, đau đầu do dây thần kinh bị ảnh hưởng; Một số vùng da xuất hiện tình trạng bị bỏng rát, ngứa ngáy, nhạy cảm, đau khi chạm vào; Mức độ đau nặng dần cho tới khi vùng da phát ban xuất hiện các mụn nước.
9. Bệnh chàm (Eczema)
Bệnh chàm là một thuật ngữ để thể hiện một số tình trạng viêm da không lây nhiễm. Biểu hiện bệnh là da có màu đỏ, khô và ngứa. Khi tiếp xúc các chất kích thích (như xà phòng), chất gây dị ứng và khí hậu có thể kích hoạt bệnh bùng phát.
Ở người lớn, nó thường xuất hiện ở khuỷu tay, bàn tay và ở nếp gấp da, biểu hiện: Các mảng hồng ban hình thành trên da gây ngứa ngáy; Có thể xuất hiện tình trạng mụn nước ở trên da, nguy cơ bội nhiễm khi mụn bị vỡ; Khi mụn nước bắt đầu bong ra, làn da trở nên khô cứng, đóng vảy.
10. Mụn trứng cá
Mụn trứng cá bùng phát khi lỗ chân lông bị tắc dầu và tế bào da chết, sau đó khởi phát quá trình viêm. Vi khuẩn và các yếu tố kích thích khiến mụn trứng cá hoạt động. Chúng thường xuất hiện trên mặt, ngực và lưng.
Người bệnh cũng có thể bị nổi mụn mủ và nang trứng cá. Để giúp kiểm soát mụn trứng cá, hãy giữ cho vùng da dầu sạch sẽ và không tự ý nặn mụn (vì nặn mụn có thể gây nhiễm trùng và sẹo).Có nhiều dạng mụn trứng cá như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn đỏ, mụn viêm, mụn bọc, mụn nang,...
11. Bệnh mụn cóc (hạt cơm)
Mụn cóc thường xuất hiện trên ngón tay, bàn tay hoặc những vị trí dễ bị chấn thương như đầu gối, khuỷa tay. Mụn cóc lây lan khi tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua da bị xây xát hoặc qua các vật dụng cá nhân: dày dép,... Để ngăn ngừa mụn cóc lan rộng hơn hơn, hãy băng chúng lại, giữ cho chúng khô ráo và không nên sờ, chạm vào. Bệnh mụn cóc thường không nguy hiểm nhưng gây đau và khó chịu cho bệnh nhân. Có thể điều trị bệnh bằng thuốc bôi. Các kỹ thuật loại bỏ tiên tiến hơn bao gồm phẫu thuật, laser và hóa chất.
Điểm đặc trưng của mụn cóc là các chấm đen trên nền tổn thương do các mao mạch nhỏ bị tắc. Mụn cóc ở mặt hay đầu có thể gây chảy máu, mụn cóc bàn chân thường rộp và sưng lên, có thể gây đau khi bước đi; mụn cóc quanh móng chân có thể làm nứt nẻ và đau.
Biện pháp phòng ngừa các bệnh lý ngoài da
Để phòng tránh nguy cơ mắc phải các bệnh ngoài da thường gặp trên đây cần thực hiện các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để không tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh, tích tụ bã nhờn trên da, thúc đẩy vi khuẩn hoạt động.
- Tránh lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da vì nếu dùng nhiều có thể khiến cho lớp nhờn bảo vệ da bị phá hủy.
- Luôn giặt sạch và phơi quần áo khô dưới ánh mặt trời để vi khuẩn bị tiêu diệt, tuyệt đối không mặc quần áo ẩm ướt.
- Giảm thiểu sử dụng mỹ phẩm để tránh bị viêm, dị ứng da.
- Sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường.
- Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trên da, hãy đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và có phương pháp điều trị kịp thời, triệt để.