Kế hoạch số 09/KH-SYT của Sở Y tế Thái Bình: Giám sát Viêm phổi nặng do virút tỉnh Thái Bình
Hệ thống giám sát Viêm phổi nặng do vi rút (Severe Viral Pneumonia: SVP) được xây dựng và triển khai hoạt động từ năm 2005 tại tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2015 có 1.475 trường hợp SVP được giám sát, điều tra và xét nghiệm tác nhân vi rút cúm. Trong giai đoạn này, 100% số trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) ở người tại Việt Nam đã được phát hiện thông qua hệ thống giám sát SVP.
Tại Thái Bình, trong những năm qua hoạt động giám sát Viêm phổi nặng do vi rút SVP được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp triển khai thực hiện. 100% các trường hợp Viêm phổi nặng nghi do vi rút được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Ngày 24/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5372/QĐ-BYT về Hướng dẫn giám sát Viêm phổi nặng do vi rút. Để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm, đáp ứng nhanh với các vụ dịch, bao gồm viêm phổi nặng do các chủng cúm gia cầm độc lực cao và tác nhân vi rút gây viêm phổi nặng khác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh góp phần đảm bảo sức khỏe người dân trong tỉnh, ngày 02/02/2021, Sở Y tế Thái Bình đã ban hành Kế hoạch giám sát Viêm phổi nặng do vi rút tại Thái Bình.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch: Nhằm phát hiện sớm các tác nhân vi rút gây bệnh đường hô hấp đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng hoặc tỷ lệ tử vong cao hoặc các tác nhân chưa rõ nhằm đáp ứng nhanh với các vụ dịch trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch: Nhằm phát hiện sớm các tác nhân vi rút cúm và các tác nhân vi rút khác gây bệnh Viêm phổi nặng. Theo dõi sự biến đổi của tác nhân vi rút cúm gây Viêm phổi nặng. Mô tả một số yếu tố dịch tễ liên quan và sự lưu hành các chủng vi rút gây Viêm phổi nặng.
Kế hoạch tập trung vào 04 nội dung là:
Định nghĩa trường hợp bệnh Viêm phổi nặng do vi rút (SVP); Mẫu bệnh phẩm thực hiện giám sát Viêm phổi nặng do vi rút; Các bước thực hiện giám sát ca bệnh Viêm phổi nặng do vi rút (gồm 05 bước: Phát hiện và thông báo trường hợp bệnh; Điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và báo cáo trường hợp bệnh; Bảo quản, đóng gói, vận chuyển mẫu bệnh phẩm; Tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Lưu mẫu và hủy mẫu bệnh phẩm) và nội dung về quản lý số liệu và quy định báo cáo.
Về công tác tổ chức thực hiện, Sở Y tế giao:
Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các các đơn vị có liên quan trong hoạt động tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát SVP trên phạm vi toàn tỉnh theo đúng nội dung và yêu cầu của kế hoạch đã được phê duyệt. Cập nhật các hướng dẫn mới nhất về hoạt động giám sát Viêm phổi nặng do vi rút SVP do Bộ Y tế ban hành. Kịp thời điều chỉnh kế hoạch thực hiện giám sát trên địa bàn tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh.
Trung tâm KSBT tỉnh: Là đầu mối thực hiện hoạt động giám sát Viêm phổi nặng do virút (SVP) trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động giám sát SVP tại các đơn vị y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Triển khai hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật giám sát, lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Hàng năm xây dựng đề xuất sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao, dụng cụ cho việc bảo quản và xét nghiệm tại đơn vị và môi trường bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm cho các đơn vị lấy mẫu trình Sở Y tế phê duyệt. Tiến hành tiếp nhận và chuyển giao cho các đơn vị thực hiện hoạt động theo quy định. Thực hiện giám sát, lấy mẫu, vận chuyển bệnh phẩm xét nghiệm cho các TTYT huyện/thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực. Thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, rà soát chất lượng Phiếu điều tra trường hợp bệnh, mẫu bệnh phẩm, phiếu yêu cầu xét nghiệm từ các đơn vị gửi mẫu. Tùy từng trường hợp cụ thể, đối với các tác nhân có thể xác định tại phòng xét nghiệm của đơn vị thì Trung tâm KSBT tỉnh thực hiện xét nghiệm và trả kết quả theo quy định. Các trường hợp còn lại Trung tâm KSBT tỉnh có trách nhiệm bảo quản, vận chuyển mẫu theo quy định về Viện VSDT trung ương và các cơ sở đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm. Việc thực hiện xét nghiệm, bảo quản, vận chuyển, lưu và hủy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm phải đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học theo quy định. Sau khi nhận kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc đơn vị xét nghiệm. Trung tâm KSBT có trách nhiệm chia sẻ thông tin cho TTYT huyện, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh nơi bệnh nhân điều trị. Thực hiện lưu phiếu điều tra trường hợp bệnh, phiếu yêu cầu xét nghiệm (bản phô tô), phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của tất cả các trường hợp giám sát trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, phân tích dịch tễ các trường hợp mắc bệnh, tử vong và kết quả xét nghiệm, thực hiện báo cáo đột xuất và báo cáo theo yêu cầu của Cục Y tế dự phòng, Viện VSDT Trung ương và Sở Y tế. Nhập báo cáo các trường hợp SVP vào công cụ báo cáo trực tuyến giám sát dựa vào sự kiện.
Trung tâm Y tế huyện/thành phố: Phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu theo quy định về Trung tâm KSBT tỉnh. Đề nghị Trung tâm KSBT tỉnh hỗ trợ thực hiện hoạt động giám sát Viêm phổi nặng do vi rút SVP khi chưa đủ năng lực điều tra trường hợp bệnh giám sát và lấy mẫu, bảo quản, đóng gói, vận chuyển bệnh phẩm theo quy định. Thực hiện báo cáo các trường hợp SVP vào công cụ báo cáo trực tuyến giám sát dựa vào sự kiện và báo cáo theo yêu cầu của Trung tâm KSBT tỉnh và Sở Y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Xây dựng kế hoạch, bản mô tả chi tiết cho từng hoạt động giám sát SVP tại đơn vị. Sử dụng thiết bị, nguồn lực sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện việc bảo quản mẫu bệnh phẩm theo quy định. Khám, phát hiện đối tượng giám sát, báo cáo các trường hợp mắc SVP cho TTYT huyện, thành phố trên địa bàn hoặc Trung tâm KSBT tỉnh. Chủ động và phối hợp điều tra theo mẫu phiếu, lấy mẫu, bảo quản, thông báo cho TTYT huyện, thành phố nhận và vận chuyển mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm KSBT tỉnh. Quá trình thực hiện phải bảo đảm an toàn sinh học và chất lượng mẫu bệnh phẩm. Báo cáo vào Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm đối với các trường hợp SVP có kết quả xét nghiệm dương tính thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Về kinh phí, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm: Kinh phí giám sát Viêm phổi nặng do vi rút; vật tư sinh phẩm xét nghiệm và các vật tư khác đảm bảo các hoạt động được thực hiện từ nguồn kinh phí phòng chống dịch hàng năm do UBND tỉnh và các địa phương phê duyệt. Phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế: Tham mưu, hướng dẫn bố trí nguồn kinh phí, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm đảm bảo cho hoạt động giám sát SVP hàng năm của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, kèm theo Kế hoạch gồm 04 phụ lục và 04 mẫu phiếu:
Phụ lục 1: Chi tiết các tiêu chuẩn của trường hợp SVP.
Phụ lục 2: Hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm SVP.
Phụ lục 3. Sơ đồ xét nghiệm mẫu bệnh phẩm SVP.
Phụ lục 4: Các mẫu phiếu, báo cáo, sổ theo dõi.
Phiếu điều tra trường hợp bệnh viêm phổi nặng do vi rút (mẫu 1).
Phiếu yêu cầu xét nghiệm (mẫu 2).
Báo cáo danh sách trường hợp SVP (mẫu 3).
Sổ giao nhận bệnh phẩm, phiếu điều tra ca SVP (mẫu 4).
Kế hoạch cũng nêu rõ: Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị gửi báo cáo về Trung tâm KSBT tỉnh để tổng hợp, báo cáo Sở Y tế xem xét, giải quyết./.