Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7
Sau khi đoàn công tác của Chính Phủ do đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có Thông báo kết luận số 147/TB-VPCP ngày 03/6/2021 về kết quả kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 gửi các địa phương trong cả nước.
Thông báo nêu rõ tại các địa điểm kiểm tra, các cấp, các ngành đều đang rất tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định tình hình theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và cơ quan quản lý ngành ở Trung ương. Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng vượt khó của Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm ổn định tình hình. Đối với công tác phòng chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh đoàn Công tác cơ bản đồng tình với báo cáo, nhận định và kiến nghị của Thành phố; đồng tình với quyết định của Thành phố về thời điểm áp dụng thực hiện Chỉ thị 15, 16 trên địa bàn. Đến thời điểm kiểm tra, Thành phố đã xuất hiện 04 chuỗi lây nhiễm, trong đó chuỗi lây nhiễm phức tạp nhất và khó kiểm soát nhất là điểm nóng nhất trên địa bàn hiện nay, liên quan đến điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo hoạt động tại phường 3, Quận Gò Vấp; trong thời gian 07 ngày (từ 26 tháng 5 đến 01 tháng 6 năm 2021) ghi nhận trên 200 ca bệnh tại 22/24 quận, huyện và đã lan ra 06 địa phương khác trên cả nước. Với 03 chuỗi lây nhiễm trước đó, Thành phố đã cơ bản khống chế được, thành phố đã hết sức chủ động, xây dựng các phương án cụ thể, thực hiện rất nghiêm túc phương châm 04 tại chỗ, 03 sẵn sàng, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đặc biệt không để thiếu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồng thời bảo đảm cung cấp, điều tiết hàng hóa cho các khu lân cận. Yêu cầu, động viên các doanh nghiệp, các hệ thống phân phối (kể cả các chợ đầu mối) bình ổn thị trường. Thành phố đã xây dựng, ban hành bộ tiêu chí an toàn COVID-19 áp dụng cho nhiều lĩnh vực, trong đó có các khu công nghiệp; đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết với chính quyền về bảo đảm an toàn COVID-19, đồng thời cũng sẽ dùng hoạt động với các nơi có nguy cơ cao. Đối với 03 doanh nghiệp được kiểm tra tại khu chế xuất Tân Thuận: là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nên việc nhận thức, triển khai của 03 doanh nghiệp này trong việc thực hiện an toàn lao động, bảo đảm phòng chống dịch tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Về công tác y tế chuẩn bị điều kiện đáp ứng cho mọi tình huống dịch bệnh: Thành phố đã xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với tình huống 5 nghìn ca nhiễm (tương ứng với tình huống 30 nghìn ca nhiễm của cả nước), cụ thể: đã chuẩn bị nguồn nhân lực y tế (bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên lấy mẫu), cơ sở vật chất, nguồn lực (thiết bị, máy thở, xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm, ...), đã thiết lập hệ thống các bệnh viện (bao gồm cả bệnh viện dã chiến) để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, kể cả trong trường hợp nặng, sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương lân cận trong trường hợp số bệnh nhân nặng vượt quá khả năng của các tỉnh bạn (chuẩn bị 200 giường ICU).
Công tác chuẩn bị khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình dịch bệnh bùng phát từ ngày 27 tháng 4 và ngày 26 tháng 5 năm 2021, với bài học kinh nghiệm vận hành khu cách ly tập trung phục vụ công tác phòng, chống dịch năm 2020, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, học tập của sinh viên. Tập thể các Thầy, Cô giáo, nhân viên của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên,hỗ trợ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để sinh viên nghỉ hè sớm, trở về quê, bàn giao lại khu ký túc xá để chuyển thành cơ sở cách ly tập trung. Sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tự giác, ý thức, trách nhiệm trong việc bàn giao ký túc xá để cơ quan chức năng trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Hiện nay Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly tập trung cho 10 nghìn người.
Công tác phòng, chống dịch của Quân khu 7 là đơn vị tham gia từ rất sớm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 Quân khu 7 luôn luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp trong phòng chống dịch; huy động đầy đủ các thành phần trong hệ thống chính trị của địa phương tham gia phòng chống dịch; triển khai các chất phòng, chống dịch trên tuyến biên giới, góp phần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch ngay tại biên giới. Cùng với các địa phương chủ động bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất, ...). Quân khu 7 vừa tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch, điều trị người bệnh vừa bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và bảo toàn lực lượng, đến thời điểm kiểm tra, qua hơn 01 năm chống dịch, lực lượng vũ trang quân khu được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có trường hợp nhiễm COVID-19. Từ khi xuất hiện dịch bệnh (ngày 23 tháng 01 năm 2020) đến nay, trên địa bàn Quân khu đã tiếp nhận cách ly hơn 144.166 công dân tại các điểm cách ly quân sự, dân sự và tại nhà; Điều trị 565 ca nhiễm của 07 tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu, trừ Bình Phước và Lâm Đồng: Hiện đang điều trị 83 ca; không có tử vong. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng trong phòng, chống dịch COVID-19, như: hỗ trợ tiền, vật tư y tế, trang phục phòng, chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế, lương thực, thực phẩm ... cho nước bạn Lào, Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Chủ động chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện về cơ sở cách ly, điều trị, phương tiện, nguồn lực sẵn sàng chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thuộc địa bàn quản lý của Quân khu.
Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các địa điểm trên cần lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: Vấn đề quản lý điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo vừa qua cho thấy chính quyền cơ sở còn thiếu cảnh giác, có nơi, có chỗ còn chưa phát huy hết hiệu quả, vì vậy cần phải phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, hẹ thống chính trị( tổ dân phố, cảnh sát khu vực, dân phòng), Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể…, đặc biệt là quản lý các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo… Bảo đảm an toàn tại các khu công nghiệp, Không được phép để đứt, gãy các chuỗi sản xuất, đảm bảo duy trì mục tiêu kép. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai khẩn trương công tác phòng, chống dịch cấp bách( rà soát, cập nhật thường xuyên và bổ sung các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19). Đặc biệt tại các khu cách ly tập trung cần tuyệt đối không được để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, lây từ khu cách ly tập trung ra bên ngoài hoặc ngược lại. Bảo đảm giãn cách, đối với phòng tại khu ký túc xá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ bố trí tối đa 2 người/1 phòng và phải có vách ngăn. Phải thực hiện nghiêm “người cách ly người”, “phòng cách ly phòng”, “block cách ly block”, cách ly khu vực cách ly với khu dân cư ... Bộ Y tế, các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung tiêu chí, quy chế khu cách ly tập trung. Bộ Quốc phòng chỉ đạo thiết lập khu giãn cách, cách ly tại biên giới. Nghiêm túc thực hiện chiến lược 5K + Vắc xin, truyền thông: Chiến lược tới vắc xin có ý nghĩa sống còn, ta phải chạy đua để có vắc xin. Đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương tìm nguồn vắc xin, đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chủ động tấn công. Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn, cơ chế chính sách thông thoáng để các địa phương, doanh nghiệp tìm nguồn ký kết hợp đồng nhập, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, Bộ Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm định chất lượng đầu vào, hướng dẫn an toàn tiêm chủng, Thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong, sử dụng từ nguồn ngân sách của Thành phố, sự đóng góp của các doanh nghiệp, chủ động vận động tìm nguồn, nhập khẩu vắc xin, Bộ Y tế kiểm tra đảm bảo chất lượng. Đổi mới công tác truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh, kịp thời, khách quan chính xác, không đưa những thông tin sai lệch, đặc biệt là truyền thông về vắc xin phải đầy đủ và rõ ràng, không truyền thông một chiều, gây tâm lý lo lắng trong xã hội.Bộ Y tế chủ trì, rà soát lại các đối tượng ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho phù hợp với tình hình mới, bổ sung đối tượng tiêm vắc xin theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; đặc biệt là bổ sung đối tượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các công ty, nhà máy, xí nghiệp ... có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tập trung đông công nhân. Đồng thời cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất. Luôn chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất. Trong mọi tình huống phải bảo toàn lực lượng phòng, chống dịch: yêu cầu phải sử dụng đội ngũ y, bác sĩ, đúng mục tiêu, trong trường hợp thật cần thiết, thay ca hợp lý. Tương tự như vậy đối với lực lượng tuyến đầu là bộ đội, công an. Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án, kế hoạch ở mức cao hơn kịch bản 5 nghìn người bệnh, để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo bảo đảm nhu yếu phẩm dự trữ trong 6 tháng. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát biên giới hòa bình, hữu nghị, chống nhập cảnh trái phép, chuẩn bị tinh huống ứng phó trường hợp nhập cảnh ồ ạt, để xử lý cách ly tập trung ngay khu vực biên giới, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị các kịch bản 30 nghìn, 50 nghìn ca nhiễm; phát huy 4 tại chỗ của ngành y tế: Vật tư y tế, thiết bị, xét nghiệm, phòng ICU, ... phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Có kế hoạch điều phối lực lượng hợp lý; khẩn trương đúc rút, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, đơn vị. Bên cạnh việc chuẩn bị phương tiện, nguồn lực (bệnh viện dã chiến, thuốc, máy thở, bình ô xi, ...) thì cần phải chú trọng đặc biệt trong việc điều trị, nâng cao sức đề kháng của các bệnh nhân (50) không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không để tiến triển nặng, gây quá tải cho hệ thống điều trị. Chú trọng tăng cường, nâng cao sức đề kháng bằng y học cổ truyền, bài thuốc dân tộc, do phác đồ điều trị của y học hiện đại đối với nhóm này là không có thuốc (vì không sốt, không ho, không khó thở).
Các Bộ, cơ quan tham gia Đoàn công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực.
Cả nước cần chung tay thực hiện chủ động ngăn chặn, phát hiện, cách ly, điều trị, khoanh vùng, dập dịch để thực hiện mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân trước đại dịch COVID-19./.