Một số biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại Bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố
Nhằm đảm bảo ATTP và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm, chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 là “Đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng trong các bếp ăn tập thể, căng tin trường học, nhà máy, nhà hàng và các quầy hàng thức ăn đường phố giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín, thương hiệu của đơn vị cung cấp.
Một số biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm như sau:
- Đối với khu sơ chế, chế biến, khu chia suất ăn: Phải bố trí cách xa nguồn có nguy cơ ô nhiễm, có diện tích phù hợp với công suất phục vụ, nhà bếp luôn đảm bảo sạch sẽ, nền không đọng nước, hệ thống thoát nước tốt. Trang thiết bị dụng cụ ăn uống, chế biến như bát, đĩa, nồi, xoong, chảo cần được vệ sinh thường xuyên sạch sẽ . Dao, thớt sử dụng cho thực phẩm sống, chín phải riêng biệt. Khu sơ chế, chế biến, khu chia suất ăn cần được phân khu để tránh lây nhiễm chéo. Rác thải phải được xử lý hàng ngày.
- Kiểm soát nguyên liệu đầu vào: Lựa chọn nhà cung cấp uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phải đảm bảo nơi cung cấp thực phẩm có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Sử dụng nguyên liệu đảm bảo tươi, kiểm tra kỹ tránh sử dụng phải thực phẩm ôi thiu, thực phẩm đóng gói hết hạn sử dụng... Bảo quản nguyên liệu đúng cách như thịt, cá để tủ đông bảo quản; rau củ để nơi thoáng mát trên giá, kệ.
- Nhân viên trực tiếp tham gia chế biến cần tuân thủ bảo hộ, vệ sinh: Nhân viên bếp phải mặc đồ bảo hộ: khẩu trang, bao tay, tạp dề, mũ che tóc. Rửa tay sạch trước khi chế biến, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với thực phẩm sống, nếu nhân viên có dấu hiệu bệnh (nấm móng tay, chín mé, cảm cúm, tiêu chảy, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tả lỵ…) phải cho nghỉ làm để tránh lây nhiễm sang thực phẩm.
- Kiểm soát quy trình nấu: Đảm bảo chế biến, nấu chín các loại thực phẩm (nấu chín, đun sôi), hạn chế thức ăn sống, tái. Không để thức ăn chín tiếp xúc với thực phẩm sống, dùng gang tay, kẹp để gắp chia thức ăn trong khi chia. Sử dụng dầu ăn đúng cách, không dùng dầu chiên lại nhiều lần. Không sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đúng quy định.
- Bảo quản và phục vụ thực phẩm đúng cách: Kiểm soát chặt chẽ khâu bảo quản thức ăn, tổ chức ăn thức ăn trong vòng 2 giờ sau chế biến. Bảo quản thực phẩm chín trong tủ giữ nhiệt hoặc ngăn mát tủ lạnh nếu chưa sử dụng ngay. Dụng cụ đựng thức ăn phải sạch sẽ, không dùng chung giữa thực phẩm sống và chín.
Nước uống phải đảm bảo vệ sinh, dùng nước đóng chai hoặc nước đun sôi.
Ngoài ra các cơ sở trên cần thực hiện lưu mẫu thực phẩm đã chế biến trong 24 giờ (lưu lại tất cả các món trong thực đơn bữa tiệc, chất lỏng 150ml, chất rắn 100gam) để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm, điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm hoặc ngộ độc thực phẩm hàng loạt.
- Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm: Chú trọng, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát và kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở có bếp ăn tập thể, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn./.