• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho cán bộ y tế tại cơ sở y tế

Ngày sức khỏe Tâm thần Thế giới 10/10/2024 với chủ đề “ Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cơ hữu giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu là thu hút tất cả các bên, bao gồm: người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức liên quan để vận động, thúc đẩy sự quan tâm đến sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, để sức khỏe tâm thần được ưu tiên, bảo vệ.

Một số biện pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho cán bộ y tế tại cơ sở 
y tế như sau:
1. Khuyến khích giao tiếp cởi mở, chân thành về sức khỏe tâm thần
Việc vượt qua những mặc cảm và kỳ thị liên quan tới sức khỏe tâm thần là điều quan trọng với bất cứ ai, nhất là cán bộ y tế. Bằng giao tiếp cởi mở, chân thành, tạo ra một bầu không khí an toàn và thấu hiểu, cán bộ y tế sẽ cảm thấy thoải mái khi thảo luận, chia sẻ về những khó khăn liên quan đến sức khỏe tâm thần như: lo lắng, phiền muộn, mất ngủ, thất vọng,… Những vấn đề này càng được phát hiện sớm thì càng giảm nguy cơ tiến triển thành những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe tâm thần của cán bộ y tế.
2. Xác định và đo lường căng thẳng tại nơi làm việc
Quản lý sự căng thẳng, áp lực là điều cần thiết để giúp nhân viên y tế vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc. Vì vậy, bước đầu tiên là nhận diện được những căng thẳng và nguồn gốc căng thẳng tại các đơn vị khác nhau trong bệnh viện. Đồng thời, lưu ý rằng căng thẳng và áp lực cần do chính các cá nhân tại các cơ sở y tế xác định, dựa trên tác động của căng thẳng đó lên bản thân.Từ đó, tập thể và cá nhân đơn vị y tế có thể đưa ra những giải pháp phù hợp để quản lý căng thẳng.
3. Có sự linh hoạt về giờ làm việc
Đặc thù của ngành y là cán bộ y tế thường phải làm việc theo ca kíp, trực đêm, tham gia những ca cấp cứu hoặc phẫu thuật trong nhiều giờ. Do đó, giờ nghỉ ngơi không phải lúc nào cũng được đảm bảo, có thể gây ra tình trạng quá tải, mệt mỏi và kiệt sức. Vì vậy, việc xem xét đưa ra giờ làm việc linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi hợp lý có thể mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho cán bộ y tế, giúp tăng năng suất, kích thích sự sáng tạo và niềm vui trong công việc.

4. Nhận ra những dấu hiệu của kiệt sức và phòng tránh
Việc nhận ra những giai đoạn sớm của sự mệt mỏi, quá tải, kiệt sức là rất quan trọng nhằm duy trì sự thoải mái về tinh thần và thể chất cho cán bộ y tế. Mặc dù mức độ kiệt sức có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên, một số dấu hiệu thường gặp là: giảm năng lượng, mất động lực, khó khăn hơn trong việc ra quyết định, giảm hiệu suất công việc và có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực về công việc hoặc đời sống cá nhân.
Cán bộ y tế cũng là những con người có những nhu cầu riêng của cá nhân và gia đình và có những khó khăn, hạn chế nhất định. Việc họ được chăm sóc tốt, hài hòa về tinh thần, vật chất cũng là một thành tố cần thiết trong những nỗ lực cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất của hệ thống y tế.
5. Thường xuyên đánh giá định kỳ môi trường làm việc và trợ giúp sức khỏe tâm thần cho cán bộ y tế
Một môi trường làm việc lành mạnh và tích cực sẽ đặt ưu tiên vào giao tiếp cởi mở, đưa ra những phản hồi tích cực, hỗ trợ lẫn nhau và tạo sự công bằng trong các điều kiện phát triển bản thân. Cán bộ y tế cần được tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, giải trí phù hợp, được khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những bất ổn về đời sống, công việc, cảm xúc, hành vi, thực hành cách ứng phó với căng thẳng, chăm sóc tốt cho bản thân. Đồng thời, cần đảm bảo cán bộ y tế có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và khám chuyên khoa.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết