• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn tỉnh Thái Bình có 691 ca mắc Sốt xuất huyết Dengue trong 09 tháng đầu năm 2024

Hiện nay, dịch Sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, số ca mắc gia tăng mạnh mẽ và không còn là vấn đề của riêng Đông Nam Á hay châu Á như những năm trước đây, mà đã trở thành gánh nặng toàn cầu. Thống kê cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp hạng SXH đứng đầu trong 10 mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số ca mắc SXH đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 trường hợp vào năm 2000 lên hơn 5 triệu trường hợp vào năm 2019. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết khoảng 4 tỷ người – tương đương một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc SXH, ước tính có khoảng 100 đến 400 triệu trường hợp mắc SXH trên toàn cầu mỗi năm, trong đó Châu Mỹ, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, riêng với châu Á chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật SXH Dengue trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong 05 năm gần đây, SXH có diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu trước đây, giai đoạn 1980 – 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch chu kỳ 5 - 10 năm/đợt, riêng giai đoạn 2019 – 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 (hơn 334.231 trường hợp mắc SXH) và năm 2022 (ghi nhận kỷ lục số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất giai đoạn 1980 – 2023 với 367.729 trường hợp), đứng thứ hai toàn cầu, chỉ sau Brazil.

Tại Thái Bình, theo số liệu 09 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh có 691 trường hợp mắc SXH Dengue, trong đó thành phố là địa phương có số mắc cao nhất là 244 trường hợp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường các hoạt động phòng chống SXH và hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh. Tập trung giám sát, phát hiện xử lý nhanh, triệt để các ca bệnh/ổ dịch SXH Dengue nhất là nơi có chùm ca bệnh SXH Dengue, ca bệnh và ổ dịch thứ phát,  kéo dài, báo cáo cụ thể để Ban Chỉ đạo các địa phương kịp thời chỉ đạo, tập trung xử lý hiệu quả.

SXH có thể gặp bất cứ mọi lứa tuổi nhưng ở trẻ em, bệnh có nhiều nguy cơ diễn tiến nặng và tỷ lệ tử vong cao, bởi bệnh thường dễ nhầm lẫn với sốt do các nguyên nhân khác, nhất là ở trẻ em, nên thường bị bỏ qua giai đoạn đầu, thường chỉ được đưa đến bệnh viện khi đã có diễn biến nặng, có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc sốt xuất huyết, xuất huyết nặng, tích tụ dịch, suy hô hấp, suy đa tạng nặng,… có thể dẫn tới tử vong. Những bệnh nhân may mắn sống sót sau nhiễm SXH nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc… kéo dài đến 2 năm.

Phụ nữ mang thai mắc SXH có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu. Người mẹ có nguy cơ bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, tổn thương chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ, gây nguy hiểm tính mạng.

Mặt khác, SXH còn gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022 cho thấy, chi phí trực tiếp (bao gồm chi phí y tế, thăm khám, nhập viện, cấp cứu, di chuyển, nuôi bệnh) cho một trường hợp mắc SXH là 5.668.429 đồng, trường hợp nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể đến chi phí gián tiếp khi người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm khiến năng suất lao động giảm, trẻ em phải nghỉ học, giảm khả năng học tập; đồng thời ảnh hưởng đến các bệnh lý khác trong hệ thống y tế, chi phí cho giám sát dịch bệnh, vắc xin, kiểm soát vector, truyền thông phòng bệnh… Mặt khác, SXH còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chức năng xã hội của cả người bệnh và người chăm sóc. Khi mắc bệnh SXH trong giai đoạn cấp tính, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm, có thể phải nhập viện điều trị kéo dài. Chất lượng cuộc sống giảm tới 67%, ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động, chất lượng học tập của bệnh nhân.

Nghiên cứu cho thấy một số gia đình có người từng mắc SXH, sau đó họ rất sợ, chỉ cần trẻ có dấu hiệu sốt là bố mẹ sẽ vội vã đưa con đến bệnh viện để khám. Các nhà khoa học gọi đây là chứng “ám ảnh SXH”.

Hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng hạ sốt, giảm đau, chăm sóc dinh dưỡng nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa biến chứng.

Để phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và xã hội, người dân cần chủ động thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng bệnh như:

1. Loại bỏ các vật phế thải, ổ đọng nước xung quanh nơi ở, làm sạch nơi ở và môi trường xung quanh để diệt muỗi, bọ gậy.

2.Ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, thoa kem chống muỗi, mặc quần áo dài tay, phun hóa chất diệt muỗi.

3. Hiện nay, đã có vắc xin phòng sốt xuất huyết là loại vũ khí đắc lực trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, nâng cao hiệu quả phòng bệnh và tạo miễn dịch bền vững. Người dân có thể liên hệ với các Trung tâm, Phòng Tiêm chủng vắc xin dịch vụ được Bộ Y tế cấp phép để tiêm phòng. Ngoài ra, khi có hướng dẫn hoặc chiến dịch tiêm phòng vắc xin của Ngành Y tế, người dân cần tham gia để phòng bệnh.

Trong thời điểm giao mùa Thu – Đông, sau bão lũ hiện nay và trước sự nguy hiểm, sự biến đổi của bệnh Sốt xuất huyết hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể... thì mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần chủ động trong việc thực nghiêm các biện pháp phòng bệnh SXH để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết