Bệnh cúm có khả năng lây truyền nhanh
09 tháng qua, toàn tỉnh Thái Bình ghi nhận gần 22.000 ca mắc hội chứng cúm, chủ yếu là các chủng cúm A, cúm B thông thường.
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi. Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh với các chủng vi rút cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em. Sau khi bị bệnh, sẽ có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây nhiễm nhưng thời gian miễn dịch thường không bền, phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây và không có tác dụng bảo vệ đối với những týp vi rút mới. Miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được khỏi mắc các biến chủng của vi rút cúm. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người đang mắc các bệnh mãn tính, người suy giảm miễn dịch thường dễ mắc bệnh hơn những người khác.Bệnh cúm dễ lây lan ở nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, nơi làm việc, khu vực công cộng.
Các biểu hiện của bệnh cúm là: sốt, hắt hơi, sổ mũi, ho, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi... Cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và có thể biến chứng gây nặng bệnh dẫn đến tử vong.
Để phòng, chống bệnh cúm, người dân cần:
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người.
- Rửa tay đúng cách và thường xuyên.
- Che miệng, mũi khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy.
- Vệ sinh các bề mặt có thể chứa virus cúm như nền nhà, sàn nhà, cửa và tay nắm cửa...
- Chủ động tiêm vắc xin phòng cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Tổ chức Y thế thế giới khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên.