• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh Viêm âm đạo ở phụ nữ

Viêm âm đạo (VAĐ) ở phụ nữ là tình trạng bệnh lý thường gặp, nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe, chức năng sinh sản và chất lượng cuộc sống của chị em. Theo thống kế hằng năm, VAĐ là bệnh lý phụ khoa có tỷ lệ mắc cao, thường gặp chủ yếu ở phụ nữ độ tuổi sinh sản và đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, với những chị em chưa từng quan hệ tình dục nhưng chủ quan, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản cũng có nguy cơ mắc bệnh VAĐ.

VAĐhiện tượng viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng âm đạo. Tác nhân gây viêm âm đạo do nấm, trùng roi, vi khuẩn khác...; cũng có thể do bị kích ứng từ các loại hóa chất vệ sinh âm đạo, vệ sinh không đúng cách hoặc mất cân bằng nội tiết tố xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh hay cơ thể bị thay đổi ở phụ nữ mang thai.

  Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm âm đạo:

- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ.

- Thụt sửa âm đạo không đúng cách.

-  Đặt thuốc âm đạo kéo dài hoặc đặt các dụng cụ tránh thai không đảm bảo vệ sinh.

- Sự mất cân bằng trong hệ nấm men và vi khuẩn sống trong âm đạo cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm âm đạo. Tình trạng này làm cho lớp niêm mạc của âm đạo bị viêm nhiễm. Cụ thể, các yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng vốn có của âm đạo, bao gồm: Sử dụng thuốc kháng sinh; Thay đổi nồng độ hormone trong thời kỳ mang thai, cho con bú hoặc mãn kinh; Thụt rửa âm đạo; Sử dụng chất diệt tinh trùng...

- Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) với người có bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).

VAĐ có thể chỉ là viêm nhiễm đơn thuần (phổ biến nhất là nhiễm nấm men). Bệnh VAĐ không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh viêm nhiễm phụ khoa nguy hiểm khác, là nguyên nhân dẫn đến bệnh vô sinh – hiếm muộn. Phụ nữ  mang thai bị VAĐ dễ bị sinh non, sảy thai…

Để phát hiện và kịp thời chữa trị VAĐ, chị em nên để ý tới những triệu chứng của viêm âm đạo dễ nhận biết như: dịch tiết âm đạo màu trắng, đặc như phô mai, khí hư có mùi bất thường; Âm đạo, âm hộ bị ngứa, sưng tấy đỏ; Khó chịu, đau bụng dưới; Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ; Ngứa rát khi tiểu tiện, tàn suốt đi tiểu nhiều...

 Một số biểu hiện khi chị em bị viêm âm đạo :

- Âm đạo ngứa và nóng do một số loại vi khuẩn như Vanigosis, Trichomonas,…gây ra VAĐ.

-  Âm đạo khô rát kéo dài: là một trong những dấu hiệu cảnh báo âm đạo của chị em đang không khỏe mạnh.

-  Khí hư ra nhiều khác thường: Khí hư bình thường màu trắng trong, dai như lòng trắng trứng và không có mùi. Tuy nhiên, nếu thấy khí hư ra nhiều, màu sắc thay đổi, dịch có màu xanh, vàng hoặc trắng đục, dạng vón cục, có mùi hôi tanh khó chịu thì phải chú ý khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu của VAĐ.

-  Thường xuyên đau bụng kinh: Kinh nguyệt không đều, máu kinh đổi màu hoặc có mùi hôi qua nhiều chu kì là những dấu hiệu viêm âm đạo chị em không thể bỏ qua. Đồng thời trong quá trình hành kinh nếu bạn bị đau bụng dữ dội kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, tụt huyết áp,…thì rất có thể bệnh đang tiến triển nặng.

-  Đi tiểu khó: Ở nữ giới, vùng kín có cấu tạo gần với đường tiết niệu. Nếu cơ quan này bị viêm nhiễm sẽ dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ kèm theo cảm giác đau ở vùng kín và cũng là một dấu hiệu có thể VAĐ do vi khuẩn nấm men gây nên.

Lưu ý:

1.Nếu chị em đang có nhiều hơn 3 triệu chứng trên cần đi khám phụ khoa để được khám, chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp. Không tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc để bệnh kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

2.Viêm âm đạo nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến viêm nhiễm lan rộng ra xung quanh, gây viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, gây vô sinh hiếm muộn, nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, lậu, HIV,... Đối với phụ nữ mang thai bị viêm âm đạo, thai nhi có thể bị viêm da, ảnh hưởng đến mắt, hệ miễn dịch của con..., phụ nữ sau sinh có thể bị nhiễm trùng.

        Biện pháp phòng ngừa viêm âm đạo: Để chủ động phòng bệnh VAĐ, chị em cần ghi nhớ những lưu ý sau:

1. Lắng nghe và yêu thương cơ thể

Chị em nên tìm hiểu và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình, theo dõi sự thay đổi tính chất dịch tiết âm đạo… để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về tính chất của dịch âm đạo, báo hiệu tình trạng viêm nhiễm để đi khám và điều trị sớm.

2. Vệ sinh vùng kín (âm hộ, âm đạo) đúng cách

Vệ sinh vùng kín đúng cách sẽ giúp phòng ngừa viêm âm đạo, đồng thời ngăn bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Chị em cần vệ sinh sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục; Rửa tay bằng xà phòng trước và sau mỗi lần vệ sinh; Lau khô vùng kín sau mỗi lần vệ sinh bằng khăn sạch; Tuyệt đối không thụt rửa trong âm đạo; Không dùng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa mạnh; Không dùng dòng nước bẩn để vệ sinh; Trong thời gian hành kinh cần thay băng vệ sinh thường xuyên, sử dụng băng vệ sinh sạch và không có hóa chất.

3. Tránh sử dụng hóa chất ở vùng kín

Âm đạo có cơ chế làm sạch tự nhiên, vì thế chị em chỉ cần dùng nước sạch đã có thể làm sạch, tuy nhiên chị em cũng có thể sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp để làm sạch âm hộ, âm đạo.

4. Sử dụng quần lót phù hợp

Chị em cần tránh mặc quần lót ôm sát vào vùng kín, cũng tránh chọn những loại quần có chất liệu cứng có thể gây kích ứng da vùng kín, khiến vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt, tạo điều kiện cho các nấm men phát triển gây bệnh và mùi hôi.

5. Chế độ ăn uống khoa học

Một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp chị em tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng.

6. Quan hệ tình dục an toàn và chung thủy

Chị em  nên quan hệ chung thủy một bạn tình, sử dụng thêm các biện pháp bảo vệ như bao cao su để tránh các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) như: Bệnh do vi rút: herpes sinh dục, mụn cóc, u mềm lây, HIV... Bệnh do vi khuẩn: Lậu cầu, Giang mai, Chlamydia, Bệnh hột xoài, Hạ cam...

7. Khám phụ khoa định kỳ và điều trị kịp thời VAĐ

 - Khám phụ khoa định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết mà mỗi chị em phụ nữ nên thực hiện đầy đủ, tối thiểu mỗi 6 tháng để bảo vệ sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe sinh sản (SKSS) nói riêng.

- Ngay khi thấy các dấu hiệu của VAĐ, chị em cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa SKSS hay phòng khám sản phụ khoa để được khám, chẩn đoán, điều trị.

- Trong quá trình điều trị VAĐ, chị em cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng đơn thuốc của người khác, cũng không tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Tốt nhất, cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian dùng thuốc được bác sĩ chỉ định. Tái khám theo lịch hẹn để được theo dõi kết quả điều trị hoặc thay đổi phác đồ trong trường hợp cần thiết.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết