• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Sức khỏe tâm thần là một phần không thể thiếu của sức khỏe toàn diện và có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe thể chất.

Những năm qua, cụm từ sức khỏe tâm thần đã trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của mỗi người. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng cả bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tâm thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.

Chính vì có thể chịu tác động bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài nên bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo số liệu được công bố, ở nước ta tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn với 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...

Những con số trên không chỉ phản ánh thực trạng sức khỏe tâm thần tại Việt Nam mà còn cho thấy một thực tế, cuộc sống ngày càng hiện đại mang lại cho con người nhiều tiện ích, niềm vui, song cũng tạo ra những áp lực, căng thẳng vô hình cho họ. Những áp lực, căng thẳng đó có thể đến từ những môi trường như nhà ở, chỗ làm, trường học và thậm chí những địa điểm xã hội. Theo đó, nơi làm việc là một trong những môi trường có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần, áp lực công việc gây ảnh hưởng và có liên quan trực tiếp đến các bệnh tâm thần phổ biến của người lao động.

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể kể đến như: điều kiện làm việc kém; công việc bị quá tải; áp lực thời gian, doanh số; nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm; môi trường làm việc chưa ổn…

Một số ngành nghề có số lượng người lao động bị căng thẳng cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, y tế chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày.

Đáng chú ý, bên cạnh các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, căng thẳng thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Khi lo lắng, làm gia tăng xu hướng ngủ không ngon giấc, có khả năng gây béo phì, kích thích hút thuốc nhiều hơn… gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Phổ biến tiếp theo là các bệnh đường tiêu hoá, mặc dù căng thẳng không gây ra các vết loét ở đường tiêu hóa nhưng có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nặng hơn. Đây cũng là yếu tố thường thấy trong nhiều vấn đề khác ở đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích. Đồng thời, căng thẳng có thể làm cho các bệnh mãn tính khác có nguy cơ trầm trọng hơn.

Để nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc tại nơi làm việc, mỗi cá nhân cần:

- Thay đổi thái độ xung quanh tình trạng sức khỏe tâm thần (giao tiếp cởi mở, lắng nghe, quan tâm đến người khác..) để giảm bớt sự kỳ thị.

- Khuyến khích hành vi tìm kiếm sự giúp đỡ (tích cực nói về cảm xúc của bạn, giữ liên lạc với người thân, bạn bè…)

- Xây dựng kỹ năng quản lý căng thẳng.

- Giảm các triệu chứng của tình trạng sức khỏe thâm thần, chấp nhận tình trạng hiện tại của bản thân.

- Sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ tốt.

- Tổ chức tốt cuộc sống gia đình.

- Biết chọn lọc thông tin, hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý. Giữ tinh thần lạc quan trong những thời điểm khó khăn.

- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo thực phẩm sạch, tránh nhiễm khuẩn, hạn chế chất bảo quản…Không lạm dụng bia rượu, nói không với thuốc lá, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích bị cấm./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết