Phòng bệnh Tăng huyết áp vào mùa Đông
Tăng huyết áp (THA) là một bệnh thường gặp, là nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận, giảm thị lực... và cũn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tỷ lệ người mắc bệnh THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc THA cũng ngày một trẻ hóa. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là khoảng 30%.
Nguyên nhân của bệnh THA vô căn hiện nay vẫn chưa biết rõ, chiếm 90% trường hợp. Trong đó, yếu tố gia đình và tuổi tác đóng vai trò quan trọng. Ví dụ như trong gia đình có bố mẹ, anh chị em bị tăng huyết áp thì khả năng bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt ở những người từ 50 tuổi trở lên. Ngoài ra, các yếu tố về dinh dưỡng, lối sống, vận động thể lực... cũng có mối liên quan rõ rệt đến tình trạng bệnh THA. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với lối sống lành mạnh, vận động thể lực phù hợp cho bệnh nhân THA sẽ là chìa khóa ngăn ngừa mắc bệnh THA cũng như giảm thiểu triệu chứng ở người bệnh THA.
Chế độ ăn mặn, nhiều muối natri được xác nhận có liên quan chặt chẽ với bệnh tăng huyết áp: Chế độ ăn nhiều muối không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng bệnh mà còn liên quan đến tăng đột quỵ, dày thành tâm thất trái (tim dày lên), tiểu đạm và suy tim. Do đó, một khẩu phần ăn giảm muối natri sẽ giúp cải thiện huyết áp cũng như giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Hạn chế chất béo
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa chế độ ăn nhiều chất béo với tăng huyết áp. Chất béo bão hòa là loại chất béo có hại cho sức khỏe, có nguồn gốc từ mỡ động vật. Chất béo không bão hòa là loại chất béo tốt cho sức khỏe nếu ăn với lượng vừa phải, có trong các loại hạt, đậu, dầu thực vật, các loại bơ....
Ăn nhiều chất béo và chất béo bão hòa có thể làm suy yếu chức năng nội mạc mạch máu, hậu quả làm tăng huyết áp. Còn chế độ ăn giàu axit béo omega-3 từ dầu cá, là một dạng của chất béo không bão hòa sẽ cải thiện chức năng nội mạc mạch máu, hạ huyết áp và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
Ăn thức ăn giàu Kali
Kali là chất khoáng cần thiết cho cơ thể phát triển, hoạt động của cơ (dẫn truyền xung động thần kinh và co cơ), giúp cân bằng nước và điện giải. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc phóng thích năng lượng từ chất đạm, chất béo và tinh bột trong suốt quá trình chuyển hóa. Có bằng chứng rõ ràng là một chế độ ăn cung cấp kali nhiều hơn 4.000 mg kali một ngày có khả năng làm giảm nguy cơ THA, đột quỵ. Khẩu phần ăn giàu kali có tác dụng bảo vệ đối với người tăng huyết áp. Cơ chế bảo vệ này là do kali có tác dụng tăng đào thải muối natri qua đường niệu (qua bơm Na-K ATPase ở ống thận), ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và kích hoạt sự gia tăng sản xuất nitric oxide – chất giãn mạch có tác dụng bảo vệ tim mạch. Nên ăn nhiều rau và trái cây, ăn ít thức ăn chế biến sẵn vì quá trình chế biến làm thất thoát kali đáng kể.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ, nhất là các dạng chất xơ hòa tan có tác dụng gia tăng nhu động ruột, giúp hạn chế hấp thu chất béo, điều hòa gián tiếp tình trạng rối loạn lipid máu. Chất xơ cũng giúp giảm huyết áp gián tiếp thông qua giảm Insulin máu. Do đó, ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm huyết áp.
Không lạm dụng rượu và đồ uống có cồn
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những cộng đồng có lượng tiêu thụ rượu cao thì tỷ lệ người mắc THA cao hơn và tăng tình trạng kháng lại thuốc hạ huyết áp, nguyên nhân có thể là do tác dụng trực tiếp của rượu lên thành mạch, kích thích hệ thần kinh giao cảm và gia tăng sản xuất hormon corticoid của tuyến thượng thận. Ngoài tác động trực tiếp nói trên, cồn cũng là một nguồn cung cấp năng lượng, làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, tăng triglyceride máu, làm tăng xơ vữa mạch máu.
Không hút thuốc lá
Trong khói thuốc lá có chứa khoảng 7.000 hóa chất, trong đó chất Nicotine gây nghiện và làm tăng huyết áp người hút nhất thời kéo dài trong khoảng 30 phút sau hút, kể cả người hút thuốc lá thụ động (người không hút thuốc nhưng hít khói thuốc trong phạm vi 1m từ người hút trực tiếp). Trong khói thuốc lá còn có khí CO (mono xít các bon) là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại biên. Tất cả các khuyến cáo khi điều trị cho người mắc bệnh THA, tim mạch... đều nhấn mạnh người bệnh phải ngừng hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Giữ ấm cơ thể
Vào mùa đông, để phòng bệnh THA, mỗi người cần phải mặc ấm, nhất là giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài khi thời tiết quá lạnh. Dùng khẩu trang che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh. Không nên thức dậy quá sớm bởi lúc đó, cơ thể thường kém đáp ứng với sự thay đổi bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn; khi dậy sớm bước ra ngoài gặp gió lạnh có thể khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, cần tạo môi trường ấm áp khi làm việc, tập luyện và nghỉ ngơi. Phòng ở, phòng tập phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Có thể dùng điều hòa và sử dụng bóng điện đỏ cho ấm. Không nên dùng bếp than tổ ong hoặc than củi để sưởi trong phòng kín dễ gây ngộ độc khí CO, rất nguy hiểm.