• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống bệnh Ho gà

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do trực khuẩn Bordetella pertussis gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh, có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi, không kìm hãm được, sau đó thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn ho gà có sức đề kháng yếu, sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường.

Đường lây truyền: Bệnh Ho gà lây truyền qua đường hô hấp qua các dịch tiết từ mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi, khi sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học.

Ở Việt Nam, khi chưa thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh thường phát triển thành dịch ở các địa phương. Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, biến chứng viêm phổi, phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 05 tuổi và bị suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3-5 năm.Từ năm 1986, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được phát triển khắp trong cả nước, tất cả trẻ em được tiêm phòng 3 liều vắc xin DPT phòng Bạch hầu – Ho gà - Uốn ván. Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 để phòng bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Biện pháp phòng bệnh Ho gà: Để phòng bệnh Ho gà, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

         2. Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ phải sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

         3.Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. 

        4.Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ Ho gà cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB