• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong những năm qua đã giúp cho đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, xu hướng người dân sử dụng rượu bia trong sinh hoạt hàng ngày, trong các cuộc vui liên hoan, dịp tết, lễ hội, trong các mối quan hệ công việc... vẫn không ngừng gia tăng.

Các bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như: loạn thần từ rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai...), là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch...các bệnh này chiếm 46% số ca tử vong do hậu quả của sử dụng rượu bia trên toàn cầu.

Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá", "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng", "Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về sức khỏe”...

Ngày 14 tháng 6  năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của rượu bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.

Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về PCTH của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025 với mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH của rượu, bia; các văn bản thi hành Luật, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế và các văn bản liên quan. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu bia, các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Tại Điều 7 của Luật PCTH của rượu bia qui định nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTH của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về PCTH của rượu, bia.

2. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia.

5. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

6. Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

7. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

8. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật PCTH của rượu bia, Kế hoạch số 115/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về PCTH của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025 để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình cộng đồng, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB