• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Số ca bệnh Tay - Chân - Miệng có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây

Số ca bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM) tại Thái Bình bắt đầu có xu hướng gia tăng trong những tuần gần đây, đa số là các trường hợp bệnh nhẹ. Trong tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết đã ghi nhận 25 ca mắc mới, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận tổng số 347 ca mắc TCM.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên giám sát hỗ trợ các huyện, thành phố thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học và trong cộng đồng. Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên ở các tuyến nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian sắp tới. 

Bệnh TCM do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng đến nặng như tổn thương não, tim và có thể tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng đến cả người lớn. TCM là bệnh không có thuốc đặc trị, phần lớn bệnh nhân sẽ tự khỏi sau 10-14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Hiện TCM chưa có vắc xin phòng bệnh. Để phòng bệnh TCM, ngành Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đồng thời, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, không để biến chứng gây nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ./.


Tác giả: Thuý Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết