• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng ở trẻ em

Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 5/2024, cả nước ghi nhận 20.081 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số ca ghi nhận chủ yếu trong các cơ  sở giáo dục mầm non, có trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Ngày 20/5/2024, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ trung ương đã ban hành Công văn số 252/GDSKTW về việc đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng ở trẻ em năm 2024.

Theo đó, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng năm 2024.

Nội dung, tập trung phổ biến các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm của địa phương. Truyền thông về nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu và các biện pháp phòng bệnh:

 - Thực hiện 3 sạch gồm: ăn, uống sạch (ăn chín, uống chín), ở sạch (thường xuyên lau sạch sàn nhà, các bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày) và bàn tay sạch (người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh).

- Các dấu hiệu phát hiện sớm, cách theo dõi những dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ kịp thời đến cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý để điều trị tại nhà.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và các cơ sở y tế.

Đối tượng truyền thông, chú trọng người chăm sóc trực tiếp trẻ dưới 05 tuổi như cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non bao gồm cả trường công lập và tư thục. Ngoài ra, cần sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, ngành giáo dục, để tạo sự ủng hộ trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch Tay chân miệng.

Việc thực hiện truyền thông cần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống Đài truyền thanh, truyền hình huyện/thành phố, Đài truyền thanh xã. Phối hợp với Ngành Giáo dục truyền thông tại các trường học về các biện pháp phòng, chống Tay chân miệng cho giáo viên, học sinh. Tăng cường truyền thông trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử, mạng xã hội sẵn có của Sở Y tế, CDC và các đơn vị trong ngành y tế...Tổ chức các chiến dịch truyền thông về nước sạch, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học và cộng đồng.

Đối với các khu vực có ca bệnh, khu vực có nguy cơ cao cần tăng cường truyền thông trực tiếp để hướng dẫn các biện  pháp cách ly, chăm sóc, cách ly, phòng bệnh kịp thời. Đối với các tuyến bệnh viện, phòng khám tư nhân cần thực hiện chỉ đạo của Ngành Y tế, tổ chức các hình thức truyền thông phù hợp tới người chăm sóc trẻ, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân về cách chăm sóc tại nhà, biện pháp cách ly, phòng bệnh, dấu hiệu chuyển nặng để đưa bệnh nhân khám, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ tăng cường lồng ghép công tác giám sát, chỉ đạo tuyến việc truyền thông phòng chống Tay chân miệng cùng các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn.

Cán bộ, nhân dân có thể tải Tài liệu tham khảo trên Website của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: (http://vncdc.gov.vn/video.html); Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ Trung ương: (http://t5g.org.vn/taychanmieng)./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB