• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số ca mắc ho gà năm nay tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Ho gà là bệnh truyền nhiễm gây nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài, thở rít vào sau mỗi cơn ho, sau cơn ho có lúc ngừng thở, tím tái... 

Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, khi đó 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình có thể bị lây bệnh. Người là ổ chứa duy nhất. Trường hợp người mang trùng là không phổ biến và tập trung ở nhóm vị thành niên, người lớn. Đây là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nặng và tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh diễn tiến nặng, dễ tử vong do bội nhiễm, gây các biến chứng như: viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng.

Đã có vắc xin phòng bệnh ho gà trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ nhiều năm nay, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mấy năm qua đã gây ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương. Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ dưới 1 tuổi đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin ho gà nằm trong vắc xin 5 trong 1 ở chương trình tiêm chủng mở rộng, hoặc vắc xin dịch vụ 6 trong 1. Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ khi đủ tháng tuổi là cách bảo vệ trẻ, chuẩn bị cho trẻ "tấm khiên" trước sự tấn công của ho gà cũng như các bệnh truyền nhiễm khác bởi khi trẻ bị bệnh sẽ có nguy cơ làm gián đoạn quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp (DPT) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván trong thời gian mang thai. 

Ngoài ra, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đảm bảo có đủ ánh sáng; hướng dẫn các cháu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh hàng ngày, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết