• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Sáng 21/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo Hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình có đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh đã tham dự Hội nghị.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 toàn quốc đã xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm đông người, với 36 vụ và hơn 2.100 người mắc, 6 người tử vong. Nguyên nhân của các vụ ngộ độc do độc tố vi sinh vật, độc tố tự nhiên và hoá chất.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng đã triển khai các quy định của pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu; việc kiểm soát thực phẩm nhập lậu trong 5 tháng qua. Đại diện một số Sở Y tế cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống ngộ độc thực phẩm tại địa phương. Để làm tốt công tác bảo đảm ATTP, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm thực phẩm an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Bộ Y tế yêu cầu: Các địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố… Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. Tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB