SỐT XUẤT HUYẾT VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2024, cả nước ghi nhận 114.906 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 18 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2023, số mắc giảm 20,2%, số tử vong giảm 22 ca.
Tuy nhiên, dịch SXH hiện vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và không còn là vấn đề của riêng Đông Nam Á hay châu Á như những năm trước đây mà đã trở thành gánh nặng toàn cầu. Thống kê cho thấy số ca mắc SXH đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp hạng sốt xuất huyết đứng đầu trong 10 mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế. SXH gây ra các biến chứng nguy hiểm như hạ huyết áp, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… có thể gây tử vong.
Thời gian gần đây tại một số cơ sở Y tế vẫn ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch. Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, trong đó tuýp DENV-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng...
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh ghi nhận hơn 1.700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 1.100 ca mắc nội sinh và không có trường hợp nào tử vong.
1. Nguyên nhân và biến chứng của Sốt xuất huyết
SXH là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn (Aedes aegypti) chứa vi rút Dengue đốt người, truyền bệnh từ người này sang người khác, vi rút được truyền qua vết đốt của muỗi. Muỗi vằn có màu đen, trên cơ thể có những vệt màu trắng. Chúng thích đốt người, hút máu vào ban ngày. Muỗi trưởng thành thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, thích đẻ trứng trong dụng cụ chứa nước và vật phế thải chứa nước đọng như: vỏ dừa, lốp xe, chậu hoa…Muỗi bị nhiễm vi rút thường sau 6-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh SXH từ người bệnh sang người lành.
Thời tiết chuyển mùa, khí hậu nồm ẩm hoặc sau mưa bão, môi trường ô nhiễm, cống rãnh, tạo thành những ổ chứa rác thải nước đọng, cây cối, nhà cửa ẩm thấp là cơ hội cho muỗi đẻ trứng sinh sôi ra bọ gậy (lăng quăng), trong đó có muỗi vằn gây bệnh SXH. Cứ ở đâu có muỗi, bọ gậy (lăng quăng) thì ở đó có nguy cơ mắc SXH và bùng phát dịch SXH.
Biểu hiện của bệnh SXH bắt đầu là dấu hiệu sốt cao trên 38,50C kéo dài từ 2-7 ngày. Thể nhẹ, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau khớp, đau cơ, người mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn...Tuy nhiên, cũng có trường hợp mắc SXH không có triệu chứng hoặc chỉ gây bệnh nhẹ, cứ 04 người mắc SXH thì có một người biểu hiện triệu chứng.Sau giai đoạn khởi phát (03 ngày đầu nhiễm bệnh), người bệnh cảm thấy khó chịu với các tổn thương bên trong mạch máu và bạch huyết, có thể kèm theo chảy máu cam, chảy máu chân răng, đau bụng, đại tiện ra phân đen,...lúc này cơ thể người bệnh đã giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết. Diễn biến của bệnh rất khó lường và thường trở nặng nhanh chóng.
Biểu hiện và diễn biến nặng nhất của bệnh SXH là sốc, da và chân tay lạnh, vã mồ hôi, huyết áp tụt, có thể khó thở do tràn dịch màng phổi, người mệt mỏi lơ mơ hoặc hôn mê, nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, bù nước, điện giải, nâng cao thể trạng. Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh SXH.
2. Các biện pháp phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (xô, chậu, chum, vại…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như mảnh bát – chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Phòng chống muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, mắc màn khi ngủ, dùng hóa chất diệt muỗi,….
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh SXH theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
Trên thực tế, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa ý thức được lợi ích và ý nghĩa của việc làm tốt công tác phòng bệnh SXH, còn lơ là, chủ quan, vẫn để bị muỗi đốt. Để giảm số người mắc SXH, giảm số người bệnh diễn biến nặng và tử vong do SXH, cần có sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch của chính quyền các cấp cũng như ý thức chủ động phòng bệnh của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng./.