• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BỆNH CHÂN TAY MIỆNG Ở TRẺ EM: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

Bệnh Tay chân miệng (TCM) là một bệnh truyền nhiễm dễ lây lan nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Đối tượng thường dễ mắc bệnh là trẻ em vì sức đề kháng của trẻ còn yếu. Cha mẹ cần hiểu biết đúng về bệnh để có thể ứng phó kịp thời, kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình. Đây là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khoa TT -GDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình xin gửi đến quý vị thông tin về bệnh Tay chân miệng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2024, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 ca mắc bệnh TCM. Tại tỉnh Thái Bình, tính đến cuối tháng 12, đã có hơn 300 ca mắc TCM, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Các cơ sở y tế tại tỉnh Thái Bình đã và đang tiếp nhận một số ca bệnh TCM tiến triển nặng phải nhập viện điều trị. Do đó, công tác phòng ngừa và giáo dục cộng đồng về bệnh TCM là vô cùng quan trọng, tỉnh Thái Bình đang tập trung vào công tác giám sát, điều trị, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các gia đình,  trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bệnh Tay chân miệng là gì?

Bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm do nhiễm virus đường ruột Coxsackie nhóm A và Enterovirus 71 (EV71) gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 05 tuổi, tuy nhiên người lớn cũng có thể mắc bệnh. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, phân, hoặc các vật dụng của người bệnh, khiến bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là ở những nơi trẻ em sinh hoạt đông đúc như trường học, lớp mẫu giáo…

Dấu hiệu nhận biết bệnh Tay chân miệng

Bệnh TCM có thể khởi phát với các biểu hiện nhẹ, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nặng bệnh nguy hiểm. Các dấu hiệu nhận biết bệnh bao gồm:

- Sốt nhẹ đến sốt cao: Trẻ có thể bắt đầu bị sốt trong vài ngày đầu.

- Mụn nước, phồng rộp: Các nốt mụn nhỏ, có thể kèm theo mụn nước, xuất hiện chủ yếu ở tay, chân, miệng, và mông. Những mụn này có thể vỡ ra và để lại vết loét.

- Đau họng, đau miệng: Trẻ sẽ cảm thấy đau miệng, khó nuốt, và đôi khi là đau họng do vết loét trong miệng.

- Mệt mỏi, biếng ăn: Trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn, uống.

- Tổn thương da: Các nốt phồng rộp có thể lan rộng, đặc biệt là ở tay và chân, gây khó chịu cho trẻ.

Nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM, đặc biệt là các dấu hiệu  như sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, các vết lở loét lan rộng, mưng mủ hoặc nghiêm trọng hơn như khó thở, co giật, lơ mơ, hôn mê…, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

          Các biện pháp phòng bệnh Tay chân miệng

Để bảo vệ sức khỏe trẻ em, các gia đình cần thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh TCM sau đây:

1.Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

2.Vệ sinh đồ chơi và môi trường sống: Lau chùi, khử trùng đồ chơi, bề mặt bàn ghế, đồ dùng của trẻ em để tránh lây nhiễm bệnh.

3.Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh: Người chăm sóc trẻ hoặc người bệnh cần đeo khẩu trang để ngăn ngừa lây nhiễm qua đường hô hấp.

4.Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người: Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với những trẻ khác để tránh lây lan.

5.Khám và điều trị kịp thời: Nếu phát hiện trẻ nghi ngờ hoặc có dấu hiệu bệnh TCM, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị. Trường hợp, bệnh đỡ chậm, có dấu hiệu nặng lên, cần điều trị tại bệnh viện để tránh những biến chứng nguy hiểm.


Tác giả: Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB