Thái Bình tổ chức nói chuyện chuyên đề về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV - PrEP cho sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình
Nằm trong kế hoạch chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Thái Bình, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề về Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho 1500 sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Theo báo cáo thống kê và đánh giá của Bộ Y tế, dịch HIV đang được phát hiện chủ yếu trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và có xu hướng tiếp tục tăng nhanh trong nhóm này. Sinh viên các trường Đại học, cao đẳng chiếm phần khá lớn trong độ tuổi nguy cơ trên, cùng với việc bộc lộ xu hướng tính dục sớm của các bạn thanh niên và độ tuổi hiện nay thì việc tuyên truyền sâu rộng kiến thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và các biện pháp can thiệp giảm nguy cơ trong các trường Đại học, cao đẳng là rất quan trọng. Nhận định được vấn đề trên, với mục tiêu cung cấp kiến thức kỹ năng dự phòng lây nhiễm HIV cho giới trẻ đặc biệt là các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, các buổi nói chuyện chuyên đề đã cung cấp các thông tin, kiến thức về hoạt động phòng, chống HIV /ADIS trên địa bàn tỉnh như Kiến thức về HIV/AIDS, Xu hướng dịch HIV hiện nay có gì khác biệt? Giới trẻ đang có nguy cơ nhiễm HIV ra sao và họ cần làm gì để bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV? Tình hình dịch HIV tại Thái Bình hiện nay đang hiện nay như thế nào? Đặc biệt là cung cấp thông tin chương trình dự phòng trước phơi nhiễm với HIV – PrEP thực hiện như thế nào? Khách hàng sẽ nhận được dịch vụ gì khi tham gia điều trị?
Các thông tin trong các buổi nói chuyện được các bạn sinh viên hào hứng tiếp nhận và trao đổi sôi nổi. Với ưu thế là các sinh viên ngành Y Dược, các học viên đã nắm được các kiến thức cơ bản về đường lây, cách phòng tránh lây nhiễm HIV, tuy nhiên kiến thức về dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn là kiến thức mới với phần đông các bạn sinh viên tham gia. Điều này cho thấy việc tiếp cận với các thông tin mới về HIV/AIDS của giới trẻ còn khá nhiều hạn chế. HIV cũng không phải là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm, chú ý nhiều mặc dù các bạn đang ở độ tuổi có khá nhiều những nguy cơ lây nhiễm có thể gặp phải. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến HIV đang dần len lỏi vào các trường học và lây nhiễm trong giới trẻ ngày càng nhiều. Sau khi tham gia các buổi nói chuyện, các bạn sinh viên cho biết đã cập nhật được thêm nhiều thông tin mới liên quan đến HIV/AIDS, đặc biệt là về PrEP và mong muốn có nhiều hơn những hoạt động truyền thông có thể triển khai trong các trường của mình như thế này.
Hồng Vân