• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) năm 2024

Ngày 22/11/2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình long trọng tổ chức hội thảo chương trình điều trị trước phơi nhiễm với HIV năm 2024. Tham dự hội thảo có sự góp mặt của Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, Lãnh đạo trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đại diện ban ngành, đơn liên quan đến hoạt động Phòng, chống HIV AIDS... Đặc biệt, đến dự hội thảo có sự tham gia của các nhóm cộng đồng, các gương mặt tiêu biểu trong công tác giới thiệu, chuyển gửi khách hàng có nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV như Nhóm I rainbow, nhóm Dream team, Nhóm Hạnh phúc...

Tại buổi hội thảo, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trình bày tóm tắt kết quả hoạt động chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV tỉnh Thái Bình đã đạt được. Theo đó, PrEP được triển khai tại Thái Bình từ tháng 5/2020, đến nay trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở điều trị và đang điều trị cho 685 khách hàng, tổng số khách hàng đã từng tham gia điều trị 1926 khách hàng. Hầu hết khách hàng tham gia điều trị đều đạt kết quả điều trị tốt. Có những khách hàng tham gia từ ngày đầu triển khai và đến nay vẫn duy trì tốt việc điều trị của mình. Việc giới thiệu, thu dung khách hàng tham gia điều trị được phối hợp tốt giữa các cơ sở điều trị, các nhóm CBO và các phòng khám điều trị HIV/AIDS. Nhờ đó, tỉnh Thái Bình luôn hoàn thành tốt thậm chí nhiều năm liền vượt chỉ tiêu số lượng khách hàng điều trị PrEP mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được đó, hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV vẫn còn gặp phải một vài khó khăn. Số khách hàng dừng điều trị do các nguyên nhân như di chuyển nơi cơ còn cao. Việc tiếp cận với các khách nguy cơ cao, đặc biệt là khách hàng thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) gặp nhiều khó khăn do đây là nhóm đối tượng nhạy cảm, họ còn gặp phải nhiều sự kỳ thị của cộng đồng nên không muốn tiết lộ danh tính cũng như bản dạng giới thật của mình, do đó họ cũng không dám tiếp cận với dịch vụ phòng lây nhiễm HIV. Mặt khác, kiến thức của giới trẻ nói chung và của nhóm MSM nói riêng về HIV/AIDS còn rất yếu kém, họ chưa có ý thức tìm hiểu và thực hành về phòng lây nhiễm HIV cho bản thân dẫn tới không biết cách phòng tránh cho mình khỏi nguy cơ lây nhiễm có thể gặp phải.

Cũng trong thời gian hội thảo, đại diện các nhóm cộng đồng đã lên trình bày về hình thức hoạt động của các nhóm, phương thức làm việc, tiếp cận giúp các tiếp cận viên có thể tìm kiếm và tiếp cận tối đa những khách hàng có nguy cơ cao nhằm giới thiệu họ tham gia điều trị PrEP. Những thông tin này đã giúp cho rất nhiều đại biểu là cán bộ của các sở, ban, ngành tham gia hội thảo hiểu thêm thực trạng những thuận lợi, khó khăn trong công tác tiếp cận hỗ trợ khách hàng tham gia điều trị PrEP.

Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp sau một ngày làm việc hết sức hiệu quả. Các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận sôi nổi và đưa ra phương hướng triển khai thực hiện chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV nhằm đảm bảo duy trì tốt những kết quả đã đạt được và khắc phục những khó khăn vướng mắc đảm bảo tất cả những khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm với HIV đều có thể tiếp cận với PrEP nói riêng và các dịch vụ chương trình phòng chống HIV/AIDS nói chung đúng như chủ đề tháng hành động Phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 của Bộ Y tế, đó là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Hồng Vân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB