Cách phòng bệnh Cúm mùa
Cúm mùa, Cúm thông thường (Cúm A hoặc B) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A hoặc B gây ra, chủ yếu xảy ra khi giao mùa hoặc mùa lạnh. Ở trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não..., dẫn đến tử vong.Vì vậy, có hiểu biết đúng đắn về về bệnh để có thể ứng phó kịp thời, kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất là điều vô cùng quan trọng.
Bệnh Cúm mùa thường phổ biến hơn vào mùa đông
Virus Cúm phát triển mạnh vào mùa đông là do nhiệt độ môi trường thấp, virus cúm tạo một lớp bảo vệ bản thân và tổn tại trong không khí lâu hơn. Ngoài ra, không khí lạnh khiến phản ứng miễn dịch trong mũi bị hỏng khiến virus Cúm dễ xâm nhập vào cơ thể. Sau khi xâm nhập thành công, virus Cúm hoạt động và tấn công các tế bào cơ thể, lúc này cơ thể không sản sinh ra được kháng thể chống lại virus thì cơ thể sẽ nhiễm bệnh và lây lan cho người khác.
Các biểu hiện của bệnh Cúm mùa
Thường có các biểu hiện của bệnh Cúm mùa sau khoảng 2 bị lây nhiễm từ người có virus. Bệnh thường biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho, có thể kèm theo buồn nôn, nôn, ỉa chảy, thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày.
Bệnh không có thuốc chữa đặc hiệu. Hầu hết bệnh nhân Cúm chỉ cần chữa triệu chứng và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện vệ sinh cá nhân, mũi họng, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Bệnh cúm mùa lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1 tỉ trường hợp mắc bệnh Cúm, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, có khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, hàng năm vẫn ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm. Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân Cúm dương tính với chủng Cúm A/H1N1.Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, tính đến thời điểm hiện tại, số mắc tại tỉnh Thái Bình trong năm 2024 đã lên tới 27.911 trường hợp, chủ yếu là các chủng Cúm A, B thông thường, không xuất hiện các chủng Cúm A có độc lực cao (H5N1,H7N9,H1N1…).
Các biến chứng của bệnh Cúm mùa
Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng xoang và tai có thể xảy ra khi virus Cúm lợi dụng hệ thống miễn dịch suy yếu để tấn công các tế bào niêm mạc. Tình trạng nhiễm trùng tai cũng sẽ xảy ra và phổ biến ở trẻ em dẫn đến các triệu chứng như đau tai, viêm tai giữa, điếc tạm thời và mất khả năng giữ thăng bằng.
Viêm phế quản
Người bệnh sẽ xuất hiện các biểu hiện bất thường như ho khạc đờm, khó thở. Ho do viêm phế quản thường biểu hiện dữ dội và kéo dài dai dẳng đến 3 tuần.
Viêm phổi
Virus Cúm có thể gây ra viêm phổi với các biểu hiện: sốt cao, đau tức ngực khi ho hoặc thở, ho ra đờm màu vàng hoặc xanh lá cây, mệt mỏi, khó, tích tụ chất lỏng quanh phổi hoặc áp xe trong phổi.
Viêm cơ tim
Virus Cúm có thể tấn công trực tiếp vào cơ tim, gây viêm nhiễm và làm chết tế bào cơ tim trong vài giờ sau, có thể diễn biến âm thầm, cho đến khi biến chứng trở nên nghiêm trọng gây phì đại cơ tim.
Viêm não
Virus cúm có thể gây viêm não, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của người bệnh như: kém tỉnh táo, mất tập trung, suy giảm khả năng ghi nhớ và thậm chí mất kiểm soát một số cơ nhất định, dẫn đến co giật. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi gặp biến chứng viêm não do Cúm mùa gây ra.
Viêm cơ, tiêu cơ vân
Virus Cúm tấn công vào cơ tim, khiến cơ tim mất khả năng lưu thông máu đến các bộ phận, trong đó có cơ vân, làm cho cơ vân thiếu máu cục bộ cấp tính, dẫn đến biến chứng viêm cơ, tiêu cơ vân.
Suy đa tạng
Virus Cúm có thể tấn công trực tiếp vào các tế bào cơ tim khiến tim mất khả năng tuần hoàn cung cấp máu cho các bộ phận khác của cơ thể như gan, thận, não,…
Biện pháp phòng bệnh Cúm mùa
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh Cúm mùa hàng năm.
- Rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn nếu xà phòng và nước không có sẵn.
- Che miệng và mũi khi bạn hắt hơi hoặc khi ho để tránh làm nhiễm bẩn bàn tay của bạn, ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy.
- Tránh đám đông trong mùa cao điểm của Cúm hay khi có dịch Cúm, tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh Cúm.
- Trong trường hợp bị nhiễm vi rút Cúm, hãy ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi cơn sốt của bạn giảm bớt để phòng tránh lây nhiễm cho người khác.