• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình ghi nhận thêm 28 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng

Qua hệ thống giám sát dịch bệnh của ngành Y tế, tuần 16 năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 28 trường hợp  mắc Tay - Chân - Miệng, như vậy từ đầu năm 2024 đến ngày 21/4, toàn tỉnh có 169 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca (chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước), tiếp đến là miền Bắc có trên 1.300 ca, miền Trung có 1.000 ca và khu vực Tây Nguyên ghi nhận số ca mắc ít nhất với 200 ca.

Theo quy luật, bệnh Tay - Chân - Miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Điều đáng nói là các ca bệnh ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non và trường tiểu học. Do đó, nguy cơ lây lan bệnh Tay - Chân - Miệng rất cao nếu các trường học, đặc biệt là các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của ngành y tế.

Nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Tay - Chân - Miệng ở trẻ em, Ngành Y tế khuyến cáo:

  1. Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh.
  2. Vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
  3. Bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  4. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu.
  5. Đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ:
  • Thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, rửa sạch bàn tay người giữ trẻ xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Đối với trường học có tổ chức bữa ăn tại trường: Đảm bảo ăn chín, uống chín, đủ chất dinh dưỡng; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; không cho trẻ ăn bốc, không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến nhà trẻ, trường học trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh.

Bệnh Tay - Chân - Miệng ở trẻ khi không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách kịp thời, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng bệnh Tay - Chân - Miệng  nên bố mẹ cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho các cháu./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB