• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm

Theo Bộ Y tế, hiện nay, dịch bệnh ở nước ta diễn biến chưa ổn định, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi. Điển hình có bệnh Tay - Chân - Miệng có số mắc tăng 2,7 lần, số tử vong tăng 25 ca, với type virus EV71 chiếm ưu thế. Bệnh mới nổi Đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào nước ta, ghi nhận tại 10/20 địa phương khu vực phía Nam với 113 ca mắc và 06 ca tử vong. Bộ Y tế dự báo, năm 2024 tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe nhân dân, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.

Tại Thái Bình, theo số liệu thống kê báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, quý I/2024 toàn tỉnh có gần 8.000 ca bệnh truyền nhiễm, trong đó nhiều nhất là Hội chứng Cúm với 7.427 trường hợp (giảm 1.208 ca so với cùng kỳ năm 2023); 87 ca Tay - Chân - Miệng (giảm 21 ca so với cùng kỳ năm 2023); 71 ca Sốt xuất huyết (tăng 51 ca so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, có 34 ca nội sinh; 200 ca Thuỷ đậu( tăng 29 ca so với cùng kỳ năm 2023) trong đó xuất hiện một ổ dịch Thuỷ đậu tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà; 02 ca Ho gà; 44 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, không có ca tử vong. Trên địa bàn tỉnh không ghi nhận sự xâm nhập, phát sinh của các dịch bệnh mới nổi, tái nổi nguy hiểm.

Trong 03 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 18 đoàn giám sát, hỗ trợ kỹ thuật tiêm chủng vắc xin tại 35 điểm tiêm chủng vào ngày 25 hàng tháng.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường triển khai hoạt động giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm. Bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nhất là bệnh dịch mùa Xuân – Hè (Dại, Cúm gia cầm, Sốt xuất huyết Dengue,…), bệnh mới nổi, bệnh tái nổi, bệnh trong TCMR. Tiếp tục nghiên cứu đánh giá tình hình dịch bệnh và yếu tố nguy cơ, tham mưu xử lý, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả. Tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Tay - Chân - Miệng, Sốt xuất huyết,… các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, tái nổi. Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng. tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi theo quy định. Phối hợp với cơ quan thú y xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là giám sát Dại, Liên cầu lợn, Cúm gia cầm,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB