Thái Bình: Các trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng tăng gấp đôi so với tuần trước
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, trong tuần qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình ghi nhận 24 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng, tăng gấp đôi so với tuần trước đó.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 111 trường hợp mắc Tay - Chân - Miệng, các ca bệnh đều điều trị ổn định, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, Tay – Chân – Miệng là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người. Giai đoạn lây lan mạnh là những tuần đầu tiên khi mắc bệnh. Đường lây truyền chủ yếu là đường tiêu hoá, từ người bệnh thông qua dịch tiết mũi họng, nước bọt, kể cả khi hắt hơi, ho cũng phát tán vi rút. Ngoài ra, con đường lây bệnh có thể qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ các nốt phỏng, các chất bài tiết của người bệnh trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, rèm cửa, nền nhà…
Cao điểm của bệnh Tay - Chân - Miệng là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là vi rút CA16 và Enterovirus 71. Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Biểu hiện của bệnh là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi, đặc biệt là các cháu độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Tay - Chân - Miệng. Ngành Y tế dự báo, trong thời gian tới, ca mắc Tay - Chân - Miệng sẽ tiếp tục gia tăng. các bậc phụ huynh cần chú ý, quan sát những dấu hiệu của trẻ để sớm phát hiện trẻ mắc bệnh TCM. Từ đó, việc chữa trị cho trẻ trở nên nhẹ nhàng và phòng trừ được các biến chứng nguy hiểm xảy ra. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị cho trẻ bị bệnh khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ. Đã có nhiều trường hợp phụ huynh đã sử dụng thuốc kháng sinh để cho trẻ uống. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây ra tay chân miệng đến từ virus. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng diệt được vi khuẩn, không diệt được virus.
Để phòng, chống bệnh Tay - Chân - Miệng ở trẻ em, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh: Vệ sinh cá nhân; vệ sinh ăn uống; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ; theo dõi phát hiện sớm; cách ly, điều trị kịp thời.
Các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc Tay - Chân - Miệng và cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh. Khi thấy trẻ có 03 dấu hiệu sau cần đưa trẻ đi nhập viện kịp thời, tránh bệnh trở nặng. Đầu tiên là trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 giờ đồng hồ và thuốc hạ sốt paracetamol không có tác dụng. Dấu hiệu thứ hai là trẻ giật mình nhiều. Thứ ba là trẻ quấy khóc dai dẳng./.