Thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình
Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, song với sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành y tế, sự phối hợp trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Bảo hiểm xã hội tỉnh; sự đoàn kết, thống nhất trong nhận thức và hành động trách nhiệm của ngành Y tế nói chung, của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình nói riêng; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Song, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, có lúc, có thời điểm còn xảy ra thiếu cục bộ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ nhân dân khi đến khám bệnh, chữa bệnh. Việc đầu tư cho các đơn vị y tế chưa có lộ trình, kế hoạch còn nhỏ lẻ, thiếu chiến lược tổng thể của ngành, nguy cơ giảm hiệu quả đầu tư. Các đơn vị chưa xây dựng được Đề án phát triển Bệnh viện theo từng giai đoạn cụ thể để khẳng định vị thế, tầm nhìn, sứ mệnh của mình đối với ngành y tế và với sức khỏe người dân. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị còn nhiều bất cập; công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên sâu, chất lượng cao còn chậm và thiếu so với nhu cầu.
Quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong việc “Phát triển và nâng cao năng lực của hệ thống khám, chữa bệnh đồng bộ các tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao y đức và chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở”; ngày 05/9/2024, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 567/VP-KGVX về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành và các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh một số nội dung sau:
- Sở Y tế
1.1.Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các bước, quy trình mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương năm 2025-2026 theo đúng tiến độ đã đề ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các đơn vị tham gia Đề án Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập của Ngành y tế giai đoạn 2024 - 2028: Khẩn trương xây dựng Kế hoạch của đơn vị để tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra theo đúng lộ trình trong Đề án đã được phê duyệt.
- Chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào lộ trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành và của đơn vị để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân. Nghiên cứu mô hình giải pháp PACS (Hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh), LIS (Hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm) tập trung cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Xây dựng Kế hoạch, chủ động làm việc tại các Bệnh viện trực thuộc để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh; đồng thời chỉ đạo, định hướng đơn vị xây dựng Đề án phát triển theo quy hoạch chung của ngành, của Tỉnh. Rà soát, tổng hợp, đánh giá, Báo cáo kết quả thực hiện tự chủ của các Bệnh viện công lập giai đoạn 2020-2023 và kiến nghị, đề xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 25 tháng 9 năm 2024.
- Đối với những vấn đề khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương, chủ động rà soát, bám sát, thường xuyên liên hệ, báo cáo, xin ý kiến, kiến nghị Bộ Y tế và các Bộ, ngành Trung ương để được kịp thời giải quyết hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất, kiến nghị. Đối với những vướng mắc do nguyên nhân chủ quan, khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, có giải pháp cụ thể chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
1.2.Tập trung nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển ngành Y tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2023; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện các Đề án đã đăng ký trong Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện xây dựng Đề án phát triển Bệnh viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Y tế trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với trường hợp vượt thẩm quyền. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, giúp ngành y tế hoàn thành nhiệm vụ được giao; bảo đảm quyền lợi của người dân khi đến khám bệnh, chữa bệnh.
3. Các Bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế:
- Thực hiện quyết liệt có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong việc bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế phục vụ nhân dân đến khám bệnh, chữa bệnh.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Giám đốc các Bệnh viện; phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn các khoa, phòng và cán bộ, viên chức; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Bệnh viện; từ đó, điều chỉnh Đề án vị trí việc làm cho sát thực tế, phù hợp với quy định của ngành Y tế, làm cơ sở sắp xếp, bố trí vị trí làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ đảm bảo đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, các quy định, hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế; tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử nhằm tạo ra sự thay đổi nhận thức, hành vi và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên tại đơn vị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế để phục vụ nhân dân đến khám, chữa bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các các biện pháp tăng thu hợp pháp, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch. Sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ phát triển sự nghiệp và các nguồn vốn khác để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cảnh quan, môi trường bệnh viện đáp ứng yêu cầu của nhân dân đến khám bệnh, chữa bệnh.
- Rà soát, đánh giá, Báo cáo kết quả thực hiện tự chủ của Bệnh viện giai đoạn 2020-2023 và kiến nghị, đề xuất, gửi Sở Y tế để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Tập trung nhân lực, phối hợp với các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực, xây dựng Đề án phát triển Bệnh viện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Sở Y tế, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
- Khẩn trương thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu hội nhập của Ngành y tế giai đoạn 2024 - 2028.
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình: Tích cực, khẩn trương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương năm 2025-2026 theo đúng tiến độ đã đề ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn, đúng quy định của pháp luật.