• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mưa bão, ngập lụt

Thực hiện Công văn số 846/DP-DT ngày 06/9/2024 của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế; Công điện khẩn số 10/CĐ-PCTT ngày 03/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình; Công văn số 1744/SYT-NVY ngày 04/9/2024 của Sở Y tế Thái Bình về việc tăng cường phòng chống dịch, ứng phó với cơn bão số 3. Để chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong mưa bão, ngập lụt, ứng phó với cơn bão số 3 và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để dịch bệnh bùng phát, ngày 06/9/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình ban hành Công văn số 376/KSBT-PCBTN về việc phòng chống dịch bệnh trong mưa bão, ngập lụt. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai một số nội dung sau:

Trung tâm Y tế huyện/thành phố:

- Tăng cường rà soát, kiểm tra công tác y tế, chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt. Đánh giá tình hình về dịch bệnh tại các khu vực nguy cơ, sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra. Thực hiện tốt phương châm "Bốn tại chỗ".

- Phân công đầu mối thường trực phòng chống dịch, chỉ đạo, triển khai giám sát, phát hiện, xử lý các dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao, nhất là các địa bàn trọng điểm như Thành phố, Thái Thụy, Tiền Hải… Khi phát hiện ca bệnh/chùm ca bệnh/ổ dịch thì tổ chức điều tra, hỗ trợ tuyến y tế cơ sở trong giám sát, xử lý dịch bệnh; báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Bổ sung, kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch, chỉ đạo các Trạm Y tế bố trí các kíp trực dịch 24/24 giờ, báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.

- Rà soát, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

- Tham mưu lồng ghép các hoạt động và truyền thông, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống dịch bệnh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các biện pháp vệ sinh cá nhân…

Các Bệnh viện Đa khoa, Chuyên khoa trong và ngoài công lập:

Các đơn vị y tế khi phát hiện các ca bệnh/chùm ca bệnh/ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đề nghị thông báo, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo dõi, giám sát, cập nhật các trường hợp bệnh/nghi bệnh đề có các biện pháp xử lý, phòng chống dịch kịp thời.

Trung tâm KSBT hỗ trợ hóa chất Cloramin B cho các đơn vị ytế trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Đề nghị các đơn vị thực hiện cập nhật, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định thông qua đầu mối tuyến tỉnh là Khoa Phòng, chống BTN - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số điện thoại 0227.3836722, email: khoaksdbthaibinh@gmail.com.

Bộ Y tế khuyến cáo 10 biện pháp phòng chống dịch chung sau mưa bão và lũ lụt như sau:

1.Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước.

7. Dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

9. Thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

10. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết