• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hen phế quản và những điều cần biết

Hen phế quản là một trong những bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến, ảnh hưởng đến hơn 260 triệu người và gây ra hơn 450.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.

Tại Việt Nam, bệnh Hen phế quản ảnh hưởng đến khoảng 3,9% dân số, tương đương 4 triệu người mắc bệnh.

Triệu chứng hen phế quản:

- Khó thở, khò khè, thở rít, nhất là thì thở ra;

- Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi);

- Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy;

- Tiền sử bản thân: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn …;

- Tiền sử gia đình có người mắc Hen phế quản hoặc các bệnh dị ứng;

- Cần lưu ý loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng giống Hen phế quản như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Giãn phế quản, Viêm phế quản co thắt ....;

Chẩn đoán nếu thấy cơn hen phế quản với các dấu hiệu đặc trưng:

Tiền triệu: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ ...

Cơn khó thở: lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính. Khám trong cơn hen thấy có ran rít, ran ngáy lan toả 2 phổi.

Một số tác nhân gây kích thích cơn Hen phế quản:

Đây là các yếu tố làm khởi phát cơn hen bằng cách kích thích đường thở hoặc làm tình trạng viêm ở đường thở trở nên trầm trọng hơn. Các tác nhân kích thích cơn hen của mỗi người không giống nhau và mỗi người cũng khác nhau rất nhiều về mức độ phản ứng với các tác nhân. 

Một số tác nhân dị ứng gây kích thích cơn hen hay gặp nhất:

- Dị nguyên đường hô hấp: bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn…

- Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò…), trứng, thịt gà, lạc...

- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin…

- Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.

Các tác nhân không dị ứng:

- Di truyền: Trong gia đình có người bị Hen phế quản.

- Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý…

Điều trị hen phế quản:

Bệnh Hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì cơn hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn Hen phế quản cấp.

Mục tiêu dài hạn của điều trị hen là kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường. Giảm thiểu nguy cơ trong tương lai gồm tử vong do hen, đợt cấp, giới hạn luồng khí dai dẳng và tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị hen là chu trình liên tục bao gồm: đánh giá mức độ của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và đánh giá đáp ứng, có thể tăng bậc hoặc giảm bậc điều trị hen.

Phòng bệnh Hen phế quản như sau:

- Người bệnh cần tuân thủ điều trị: Hen phế quản là bệnh cần theo dõi và điều trị thường xuyên. Tuân thủ điều trị giúp kiểm soát tốt triệu chứng hen và duy trì khả năng hoạt động bình thường, hạn chế cơn hen cấp. Người bệnh cần dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều đã được bác sĩ chỉ định và tái khám đúng hẹn.

- Tiêm vắc xin Cúm hàng năm và tiêm vắc xin Phế cầu giúp tăng sức đề kháng của cơ thể, phòng chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.

- Rửa tay thường xuyên, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi đi ra ngoài đường hay tới nơi tập trung đông người nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh Cúm.

- Thường xuyên uống nước sẽ giúp cho đường thở sạch sẽ, làm loãng dịch và hạn chế tối đa trường hợp tắc nghẽn của ống thở. Các bác sĩ khuyến cáo nên chia đều lượng nước và uống 2 - 3 lít nước một ngày sẽ giúp tránh cơn hen tái phát.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bao gồm cả chăn, ga, gối đệm và quần áo thường xuyên nhằm loại bỏ các tác nhân kích thích cơn hen như bụi nhà, nấm mốc,…

- Thường xuyên luyện tập thể lực bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe; thực hành chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất; uống đủ nước,… để giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen.

- Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.

- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.

Hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi các yếu tố kích thích,thường là tác nhân dị ứng không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc kiểm soát cơn hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn Hen phế quản, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.


Tác giả: BS Trần Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết