• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế Thái Bình chủ động ứng phó với bão số 3

Sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hoá chất, tổ chức trực ban, kịp thời cử các đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu ngoại viện; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, triển khai công tác vệ sinh môi trường đến các địa phương - đó là các phương án đã được ngành y tế tỉnh Thái Bình triển khai cụ thể tới các đơn vị y tế trong việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3.

Để chủ động ứng phó với mưa bão lớn có thể xảy ra, bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân dân và người bệnh, Sở Y tế tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Sở Y tế đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường các hoạt động, sẵn sàng ứng phó với bão số 3, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chủ động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động, phương án theo kế hoạch đã xây dựng, bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà bệnh nhân và cán bộ, nhân viên y tế; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 h; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân. Các đơn vị đảm bảo nguồn nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển phòng chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn mùa mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhân dân, không để bị động, bất ngờ. Xây dựng rà soát, bổ sung vào kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa của đơn vị các nội dung chi tiết về công tác chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, nhân lực, các phương án xử lý nước ăn uống, an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý chất thải y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân khi xảy ra bão lũ trên địa bàn; duy trì liên lạc thường xuyên giữa y tế các tuyến; thực hiện chi viện và sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu; di chuyển người bệnh, máy móc, trang thiết bị, hồ sơ bệnh án…đến địa điểm an toàn; chuẩn bị máy phát điện khi lưới điện bị cắt, hỏng do mưa bão.

 

Đến chiều ngày 06/9, các đơn vị y tế trong tỉnh Thái Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị nhân lực, phân công, bố trí các đội thường trực 24/24 giờ; dự trù đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, vật tư y tế, máy phát điện… Bên cạnh đó, các đơn vị đã thực hiện cắt tỉa cành cây trong khuôn viên, sẵn sàng vật tư phòng, chống mưa bão, chủ động chằng buộc cửa sổ ở các khoa, phòng, sơ tán người bệnh…

Là đầu mối về công tác phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai các phương án dự phòng, sẵn sàng đáp ứng với những diễn biến bất thường trước, trong và sau khi có mưa bão xảy ra. Trung tâm đã tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão. Các đội cơ động phòng chống dịch, đội xử lý môi trường luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu vệ sinh môi trường sau bão lũ để tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, Trung tâm cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức: chủ động tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai… 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, mọi công tác ứng phó với bão số 3 cũng đã sẵn sàng. Bệnh viện đã thành lập 10 đội thường trực cấp cứu; Chuẩn bị 20 cơ số thuốc, 10 cơ số vật tư y tế; Dự trù trên 3.000 lít dầu Diesel phục vụ 05 máy phát điện, đảm bảo có thể phát điện 16h liên tục; Chuẩn bị sẵn sàng các vật tư phòng chống mưa bão, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây trong khuôn viên bệnh viện; Che chắn các thiết bị y tế tránh bị ướt gây ra hư hỏng khi có sự cố về bão; Các khoa phòng chủ động chằng buộc cửa sổ buồng bệnh, đặc biệt là khu vực có nhiều cửa kính, quán triệt các phòng không thường trực ngắt điện trước khi ra về; Các kíp trực thường trú phẫu thuật, gây mê, nhà mổ, truyền máu, hành chính... sẵn sàng khi được huy động. Cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện không chủ quan, lơ là với diễn biến của cơn bão, nêu cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo phục vụ bệnh nhân cũng như kịp thời ứng phó khi có tình huống bất ngờ xảy ra tại đơn vị.

Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình cũng đã tổng kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, máy phát điện, xe cấp cứu, các trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế. Phân công trực, sẵn sàng vận chuyên, cấp cứu bệnh nhân, nạn nhân. Trung tâm cũng đã cử 04 đội xe vận chuyển cấp cứu xuống các bệnh viện công lập ở khu vực Thái Thụy, Tiền Hải, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ an toàn khi có bão, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, nhất là cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, làm sạch nguồn nước, ngăn chặn không để xảy ra dịch bệnh./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB