Chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3348/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, viêm cơ tim/màng ngoài tim cấp sau tiêm vắc xin là biến chứng hiếm gặp, được ghi nhận sau khi tiêm hầu hết các loại vắc xin COVID-19như: Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca hay Janssen. Biến chứng này hầu hết gặp ở người trẻ tuổi, nam giới nhiều hơn nữ, phần lớn gặp sau mũi tiêm lần hai (hoặc sau mũi tiêm lần đầu ở người có tiền sử mắc COVID-19) và đa phần được phát hiện và điều trị khỏi trung bình sau 2-4 ngày.
Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển bất thường thành các dạng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Triệu chứng lâm sàng xuất hiện thường 2-4 ngày sau tiêm vắc xin COVID-19, dù có thể gặp sớm hơn (12h sau tiêm) hoặc muộn hơn, bao gồm: Đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, có thể sốt hoặc không...
Viêm cơ tim/màng ngoài tim cấp thường đáp ứng tốt với điều trị và thoái triển sau 3-5 ngày, song cũng có thể trở nặng, thậm chí nguy kịch bất thường. Dấu hiệu nặng, nguy kịch, bao gồm những biểu hiện của các tình trạng như: Phù phổi cấp, suy tim cấp, tràn dịch màng tim gây ép tim, sốc tim, các rối loạn nhịp nhanh, chậm phức tạp, ngất, thậm chí đột tử...
Theo Bộ Y tế, tất cả người dân sau tiêm vắc xin COVID-19 có một trong số các dấu hiệu nghi ngờ (đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim) cần được thăm khám để loại trừ viêm cơ tim hoặc viêm màng tim cấp. Người dân cần thông báo tới đường dây nóng y tế địa phương hoặc đến bệnh viện gần nhất để được hướng dẫn và thăm khám.
Chẩn đoán lâm sàng viêm cơ tim dựa trên 4 tiêu chuẩn sau đây: Bệnh cảnh gợi ý xuất hiện sau tiêm vắc xin COVID-19, thường 2 - 4 ngày; không mới nhiễm Covid-19; có ít nhất 1 biểu hiện lâm sàng và 2 thay đổi cận lâm sàng; loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng tương tự.
Bên cạnh đó, viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim cấp sau tiêm vắc xin COVID-19 chưa có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị giảm đau chống viêm, sẵn sàng điều trị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn khi có các diễn biến nặng hoặc nguy kịch.
Theo Bộ Y tế, người bệnh được chẩn đoán viêm cơ tim, viêm màng tim cấp cần được điều trị và theo dõi sát (để phát hiện các bệnh cảnh nặng/nguy kịch) tại cơ sở y tế có đủ khả năng hồi sức cấp cứu tim mạch. Khi người bệnh có các biểu hiện nặng, nguy kịch, cần chuyển tuyến đến các bệnh viện chuyên khoa tim mạch.
Tiêm vắc xin COVID-19 vẫn là biện pháp căn bản để giải quyết bệnh, với lợi ích tổng thể cho cá nhân và xã hội vượt xa các biến cô có thể xảy ra./.