Hỏi – đáp về tác hại của thuốc lá
1.Hỏi: Thuốc lào có an toàn hơn thuốc lá điếu không?
Trả lời: Theo Điều 2 Luật PCTHTL, Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác; Sử dụng thuốc lá là hành vi hút, nhai, ngửi, hít, ngậm sản phẩm thuốc lá, như vậy thuốc lào được gọi chung là thuốc lá. Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 được xếp vào loại gây ung thư.
Khi hút thuốc lào, khói thuốc lào qua nước trước khi hút vào cơ thể, tuy nhiên do quá trình cháy ở hút thuốc lào xảy ra ở môi trường ít oxy hơn vì thế lượng Oxyde Carbon (CO) lại cao hơn dễ gây ngộ độc CO hơn. Khí CO trong khói thuốc lá hấp thụ vào máu gắn với Hemoglobine làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu vì vậy làm giảm lượng oxy trong máu, góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.
Nhựa thuốc lá là sự tập hợp tên của hàng ngàn chất hoá học và phụ gia có trong khói thuốc lá, được tạo thành chất lắng lại của khói thuốc có đặc điểm dính và dầy. Nhựa thuốc lá là một trong những sản phẩm phụ nguy hiểm nhất của khói thuốc lá, chứa rất nhiều chất gây ung thư.
2.Hỏi: Tôi chỉ hút vài điếu thuốc lá mỗi ngày thì có hại không?
Trả lời: Thuốc lá là nguyên nhân gây ra gánh nặng tử vong và bệnh tật lớn thứ 2 tại Việt Nam.Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, đã và đang chịu gánh nặng khổng lồ về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra. Cho dù chỉ là hút vài điếu thuốc lá mỗi ngày cũng đều có hại cho sức khỏe. Trong hút thuốc lá không có cái gọi là “ngưỡng an toàn” nghĩa là không có một mốc mà hút dưới mốc đó thì an toàn cho sức khỏe.
3.Hỏi: Thuốc lá “nhẹ” có thật sự ít hại cho sức khoẻ?
Trả lời: Thực tế là không có loại thuốc lá nào là nhẹ và an toàn cho sức khỏe! Nhiều người hút thuốc lựa chọn loại thuốc lá ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) vì tin rằng loại thuốc lá này ít các chất độc hại hơn các loại thuốc lá khác. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy sử dụng các loại thuốc lá này vẫn độc hại. Nguyên nhân do mỗi người nghiện thuốc đều cần có một “ngưỡng” Nicotin nhất định, vì vậy, khi hút những loại thuốc “nhẹ”, họ sẽ buộc phải hít sâu hơn, hút nhiều hơn để bù lại hàm lượng nicotine mà cơ thể đã quen đòi hỏi. Chính việc hút bù này làm cơ thể tiếp xúc nhiều hơn các chất độc hại có trong khói thuốc. Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng đã cấm sử dụng các từ, cụm từ: ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ (ultra light), dịu êm (mild) hoặc các từ, cụm từ khác làm người hút hiểu nhầm loại thuốc lá này ít có ảnh hưởng tới sức khỏe hơn loại thuốc lá khác.
4.Hỏi: Thuốc lá điện tử có an toàn hơn thuốc lá điếu không?
Trả lời: Theo Luật PCTHTL, Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.Hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế chứng minh tính an toàn của thuốc lá điện tử. Trong thuốc lá điện tử có Nicotine, làm tăng nhịp tim và huyết áp, tăng đường máu. Nghiện Nicotine lâu dài gây xơ vữa động mạch, các bệnh về tim mạch, tiểu đường. Sử dụng Nicotine quá liều lượng gây nguy hiểm cho sức khỏe , đồng thời Glycol là một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông, có khả năng gây ung thư, cũng có trong thuốc lá điện tử.
5.Hỏi: Tôi có thể sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá điếu không?
Trả lời: Hiện nay, chưa có bằng chứng chứng minh thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường, trên thế giới vẫn chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được Chính phủ các nước đánh giá và phê duyệt sử dụng để hỗ trợ cai thuốc. Với một số lượng lớn người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ chỉ làm giảm việc hút thuốc chứ không khiến họ bỏ thuốc hẳn. Điều này sẽ dẫn tới việc người hút sử dụng đồng thời cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tử và như vậy tác hại sẽ khôn lường. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất tạo hương vị hoa quả, kẹo trong dung dịch thuôc lá điện tử với cách quảng cáo về sự sành điệu rất dễ dàng lôi kéo các bạn trẻ thử thuốc lá điện tử, từ đó dẫn đến nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường. Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại may túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.
Hỏi: Tại sao có người nghiện thuốc lá mà vẫn sống “thọ”?
Trả lời: Thực tế có thể thấy một số người hút thuốc nhiều năm mà vẫn không mắc bệnh hoặc vẫn sống lâu, tuy nhiên đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, nếu tính trên toàn thể cộng đồng thì 90% các ca Ung thư phổi, 75% các ca mắc Bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính là người hút thuốc lá. Do sức đề kháng đối với bệnh tật của mỗi người mỗi khác, có những người bệnh xuất hiện chỉ sau một thời gian ngắn hút thuốc, nhưng có những người mắc bệnh muộn hơn, thậm chí là sau 30 năm kể từ khi hút thuốc. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được ai là người dễ mắc các bệnh do hút thuốc. Chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2021 được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn là “Cam kết bỏ thuốc lá” nhằm thông tin tới cộng đồng tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá .Vì vậy, tốt nhất là không hút thuốc, nếu đã hút thì bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Nếu chưa bỏ được thì giảm hút, không hút tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, nơi công cộng, trước mặt phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ em, người già…