• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2022

Tăng huyết áp hay còn gọi là Cao huyết áp là khi đo huyết áp, chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mi li mét thủy ngân (mmHg) và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mi li mét thủy ngân (mmHg); Người bị mắc bệnh Tăng huyết áp thường có những biểu hiện như: Đỏ bừng mặt, Chóng mặt, Đau đầu, Hoa mắt, Ù tai, Mất thăng bằng, Mắt nhìn mờ, Mất ngủ, Chảy máu mũi...Theo Tổ chức Y tế thế giới, Tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 1,3 tỷ người trên phạm vi toàn cầu.

Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế  giới. THA cũng là yếu tố nguy cơ chính của suy tim, rung nhĩ, bệnh thận mạn, bệnh mạch máu ngoại vi, suy giảm chức năng nhận thức.Mỗi năm trên thế giới có 17,5 triệu người chết vì tim mạch, nhiều hơn 4 lần số người tử vong do các bệnh: HIV- AIDS, sốt rét và lao phổi cộng lại. Trong các bệnh về tim mạch, số người chết vì THA là trên 7 triệu người/năm.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế cho thấy có 25% dân số mắc bệnh về Tim mạch và Tăng huyết áp. Gần 60% người bị Tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và hơn 80% chưa được điều trị. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200 nghìn ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị Tăng huyết áp.Trong những năm gần đây, bệnh Tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa, ghi nhận ở những bệnh nhân còn trẻ ở độ tuổi 30 – 40.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh Tăng huyết áp

1. Tuổi: nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi , nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.

2. Thừa cân béo phì.   

3. Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.

4. Ăn nhiều muối, ít rau quả.

5. Ít hoạt động thể lực.

6. Căng thẳng tâm lý.

7. Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường,… 

8. Tiền sử bệnh trong gia đình: nguy cơ Tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị Tăng huyết áp.

Chẩn đoán

Kiểm tra huyết áp thường xuyên là biện pháp quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp. Mọi người dân cần thường xuyên kiểm tra huyết áp thông qua khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc khi nghi ngờ mắc bệnh Tăng HA.

Dự phòng và điều trị bệnh Tăng huyết áp

 Bệnh Tăng huyết áp có thể được dự phòng hiệu quả như sau:

1. Duy trì chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.

2. Duy trì cân nặng bình thường.

3. Không uống rượu, bia; không hút thuốc lá. 

4. Duy trì hoạt động thể lực phù hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. 

5. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột. 

6.Người bị bệnh Tăng huyết áp cần được khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị kịp thời, liên tục, suốt đời.

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2022, mọi người dân trên 18 tuổi hãy đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra chỉ số Huyết áp của mình và khám sức khoẻ để được tư vấn cách phòng, chống bệnh Tăng huyết áp. Ngoài ra, nếu phát hiện mắc bệnh Tăng Huyết áp, bệnh nhân được theo dõi, hướng dẫn điều trị để duy trì mức huyết áp hợp lí, giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng nặng và tử vong do Tăng Huyết áp.

Một số khẩu hiệu tuyên truyền nhân ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp:

  • Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản nhất và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh Tăng huyết áp;
  • Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.

Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết