Một số kết quả đạt được trong công tác phòng, chống COVID-19 tại Thái Bình
Duy trì, phát triển sản xuất, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đời sống của nhân dân ít bị xáo trộn, đảm bảo an toàn Đại hội Đảng các cấp và công tác bầu cử, các chương trình y tế, giáo dục, nhất là các kỳ thi cuối cấp THPT- Đại học- Cao đẳng an toàn, hiệu quả; không bỏ lỡ các cơ hội của các nhà đầu tư, triển khai được các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và không bị đình trệ công việc,...đó là những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống COVID-19 tại Thái Bình trong hai năm qua.
Những chỉ đạo, quyết sách đúng đắn
Ngay từ đầu, nhận thức rõ những nguy cơ dịch COVID-19 có thể đến bất cứ lúc nào, tỉnh Thái Bình đã tăng cường củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, chỉ đạo quyết liệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, điều phối, dự báo, báo cáo các hoạt động phòng, chống dịch với gần 100 đầu mối tuyến tỉnh, huyện và 260 xã, phường, thị trấn. Kịp thời ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, Văn bản, Công điện,…chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại tỉnh phù hợp với từng thời điểm dịch.
Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương thực hiện tuyên truyền mạnh mẽ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch. Hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng thường xuyên các phần mềm ứng dụng trong giám sát, phát hiện, cảnh báo, truy vết người bệnh COVID-19 và người tiếp xúc, nhất là ứng dụng Bluezone, cài mã QR- code.
Sản xuất các ấn phẩm, tài liệu, thông điệp truyền thông phù hợp với thời điểm dịch cấp phát đến các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, khu cách ly, hộ gia đình...
Nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và huy động lực lượng tham gia PCD, từ các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo tỉnh đến các ngành, các cấp, nhất là lực lượng nòng cốt (y tế, công an, quân đội, các tổ tự quản ở địa phương, các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm soát)...luôn sẵn sàng và hoạt hóa ngay lập tức bất kể giờ nào và bất kỳ nơi nào trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo hệ thống y tế toàn tỉnh đảm bảo các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ; triển khai tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ y tế và người tham gia trong phòng, chống dịch; không để lây nhiễm trong cơ sở cách ly, điều trị. Rà soát, bổ sung cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện, bảo hộ, cơ sở, nhân lực cho phòng, chống dịch. Duy trì hoạt động các Đội đáp ứng nhanh để đáp ứng với các tình huống dịch. Các đơn vị đầu mối ngành Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thành phố, Trạm y tế xã, phường, thị trấn), các cơ sở khám chữa bệnh duy trì liên tục “đường dây nóng” và trực 24/24 giờ. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch hàng ngày và báo cáo đột xuất theo qui định.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Công an, Quân đội, Y tế phối hợp với các địa phương trong việc giám sát, truy vết, cách ly người bệnh/nghi bệnh COVID-19 và các đối tượng nguy cơ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu địa phương, đơn vị, doanh nghiệp…nhằm thực hiện mục tiêu kép. Huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau. Tập trung vào các hoạt động hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch như y tế, công an, quân đội; hỗ trợ người dân trong các ổ dịch, khu cách ly và nhóm người yếu thế bị tổn thương do đại dịch.
Tổ chức cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 và nguy cơ để ngăn chặn nguồn lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Từ năm 2020 đến nay, tại 10 Khu cách ly tập trung của tỉnh, huyện đã thực hiện cách ly cho 7.020 người.
Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, các hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành, Thái Bình đã thành lập các Tổ công tác liên ngành chốt chặn tại khu vực cửa ngõ vào tỉnh, kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19; trên địa bàn các huyện, thành phố thành lập các tổ tuần tra và các tổ tự quản phòng, chống dịch COVID-19 tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư nhằm kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào tỉnh. Đối với các địa phương có dịch phải phong toả thì thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tình nguyện viên thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch theo sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương nơi phong toả.
Với hệ thống y tế vững vàng từ cơ sở đến tuyến tỉnh, Thái Bình đã sớm triển khai hệ thống máy xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 ngay từ đầu năm 2020. Hiện nay, công suất xét nghiệm của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống dịch. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xét nghiệm 101.504 mẫu, phát hiện 81 ca nhiễm COVID-19. Riêng từ 01/01/2021 đến ngày 10/7/2021 đã xét nghiệm 90.536 mẫu, phát hiện 42 ca dương tính, cách ly, điều trị kịp thời.
Công tác tiêm chủng được tỉnh triển khai khẩn trương, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Tỉnh đã hoàn thành 02 đợt tiêm chủng phòng COVID-19 với 25.284 mũi tiêm. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch để sẵn sàng thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tỉnh còn tổ chức phát động toàn tỉnh thực hiện Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 03/6/2021 về phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19”.
Trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Thái Bình cũng đã áp dụng một số giải pháp mạnh mẽ theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg phù hợp với từng thời điểm, diễn biến dịch như: tạm dừng hoạt động cửa hàng ăn uống, karaoke, game, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh; tạm đóng cửa các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý chặt khu vực phong tỏa; xử lý kịp thời các trường hợp nghi nhiễm từ vùng dịch về,… nhưng không ngăn sông, cấm chợ, bảo đảm vẫn triển khai các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Hướng dẫn xây dựng các tình huống dịch, các kịch bản, triển khai diễn tập cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Chuẩn bị cơ sở vật chất, huy động, mua sắm và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, máy móc, thuốc, vật tư, sinh phẩm, hoá chất…cho các hoạt động PCD. Chuẩn bị Bệnh viện dã chiến với các phương án dịch bệnh có thể xảy ra.
Có thể nói, với việc triển khai thần tốc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến nay, tỉnh Thái Bình đã và đang kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực cùng với các địa phương và nhân dân cả nước giành chiến thắng trong "cuộc chiến" chống dịch COVID-19.
Bài học kinh nghiệm
Cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hiện nay Thái Bình đang chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh; môi trường trong tỉnh được đánh giá là khá “Sạch” với mầm bệnh, chưa có sự phát tán, mất dấu nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Điều đó từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch và vừa phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả này đã và đang tạo động lực và quyết tâm cao cho các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo của tỉnh.
Một số bài học kinh nghiệm rút ra trong hoạt động PCD của Tỉnh Thái Bình là:
- Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương phải luôn coi công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu.Thực hiện phương châm vừa tập trung "đánh dịch”, vừa tiếp tục lao động, phát triển sản xuất kinh doanh, tùy cơ ứng biến tình hình. Theo dõi sát sao chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đều xác định rõ công tác phòng, chống dịch là quan trọng gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Muốn chống dịch thành công cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mọi người dân. Nêu cao vai trò của Ban Chỉ đạo, người đứng đầu trong công tác PCD. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các lực lượng chức năng, các tầng lớp nhân dân, chủ động nắm bắt tình hình dịch, không chủ quan, không trông chờ, kể cả khi không có ổ dịch vẫn phải duy trì chế độ giao ban Ban Chỉ đạo các cấp.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình dịch, điều chỉnh, rút kinh nghiệm, điều hành các hoạt động phù hợp với tình hình của tỉnh, của từng địa phương và từng thời điểm dịch.
- Triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu xử lý, khoanh vùng ổ dịch hiệu quả; cách ly, điều trị kịp thời; rà soát, quản lý chặt người từ các tỉnh, thành phố có dịch về; kiểm soát tốt nguồn lây, xử lý dịch quyết liệt, đảm bảo đúng quy trình, quy định. Phát hiện nhanh, tiến hành truy vết triệt để các ca bệnh, ổ dịch tại tỉnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
- Huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống Đài phát thanh các cấp để tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và cộng đồng về nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác PCD COVID-19, nhất là thực hiện vệ sinh môi trường, tuân thủ 5 K và cài đặt phần mềm truy vết theo hướng dẫn của Sở Thông tin – Truyền thông và ngành Y tế, tuyên truyền cả những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch. Chỉ đạo, định hướng truyền thông phù hợp với từng thời điểm dịch, xử lý kịp thời các tình huống thông tin sai lệch gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng.
- Không ngừng đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyến đầu PCD có chuyên môn vững, sẵn sàng lăn xả cho các hoạt động PCD xác định còn lâu dài, khó khăn, gian khổ. Biết dựa vào dân, tuyên truyền vận động nhân dân tự giác, chủ động chung tay PCD.
- Thực hiện nghiêm ngặt công tác báo cáo dịch, sơ tổng kết, đánh giá công tác PCD, có khen thưởng đúng mức, kỷ luật nghiêm minh.
- Huy động các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hoá chất, sinh phẩm, sử dụng kinh phí hiệu quả cho công tác PCD.