• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vấn đề xử lý ô nhiễm rác thải nhựa

         Tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn, việc người dân sử dụng túi, bao bì nhựa sau đó vứt bỏ bừa bãi đã trở thành một thói quen được coi là bình thường mà người thực hiện không hề hay biết là mình đã trở thành tác nhân gây ô nhiễm môi trường, phá hủy hệ sinh thái, cảnh quan, gây hại cho sức khoẻ con người.

 

1.Rác thải (chất thải) nhựa là gì?

Rác thải nhựa là các loại rác thải dạng chai lọ, túi đựng, đồ chơi bằng nhựa hoặc ni lông... không phân hủy được trong nhiều môi trường; chất thải ni lông gồm các bao bì chất liệu bằng nhựa polyethylene (PE) hoặc nhựa khác đã qua sử dụng thải đi.

2.Nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa

Rác thải nhựa sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Hàng ngày, rác thải nhựa ở các đô thị được phát sinh từ các nguồn sau:

  • Rác thải sinh hoạt của dân cư, khách vãng lai, du lịch,…Thực phẩm dư thừa nilon, nhựa, chai nước nhựa, các chất thải nguy hại…
  • Rác thải nhựa từ các chợ, tụ điểm buôn bán, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu văn hoá,…
  • Rác thải nhựa sinh hoạt từ các Viện nghiên cứu, cơ quan, trường học,…
  • Rác thải nhựa sinh hoạt của công nhân trong các công trình xây dựng, cải tạo và nâng cấp,…
  • Rác thải nhựa sinh hoạt của công nhân trong nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp,…

3.Tác hại của rác thải nhựa
   Đối với môi trường

          Do tính chất khó phân hủy nên khi được thu gom đưa đi chôn lấp vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây ô nhiễm môi trường đất, làm đất không giữ được nước dẫn đến tình trạng xói mòn, thiếu dinh dưỡng và oxi, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Đặc biệt, nếu xử lý rác thải nhựa không đúng cách như đốt nhựa không đúng quy chuẩn còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo ra hiệu ứng nhà kính và làm ảnh hưởng một cách tiêu cực đến đời sống con người và các sinh vật sống.
             Đối với  sinh vật biển
    Việc xả thải rác thải nhựa tràn lan trên biển đã gây ra hiện tượng "ô nhiễm trắng" và làm ảnh hường nghiêm trọng đến các loài thủy, hải sản. Đây cũng là nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học và làm thay đổi cấu trúc, thành phần của hệ sinh thái biển.
          Đối với con người

  • Rác thải nhựa bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp, theo thời gian sẽ bị phân rã thành những mảnh nhựa với rất nhiều kích cỡ khác nhau như: micro, nano, pico... Những mảnh vi nhựa này sẽ lẫn vào đất, môi trường và không khí... khiến cho các loài sinh vật biển, chính con người ăn phải, đưa chúng vào cơ thể đe dọa đến sức khỏe. 
  • Những loại rác thải nhựa đốt để xử lý, sẽ sinh ra các loại khí độc bao gồm: khí dioxin, furan… ảnh hưởng rất lớn đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, thậm chí gây ung thư. 
  • Trong một số loại túi nilon có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất... vì thế khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành các loại axit sunfuric gây ra mưa axit vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người và sinh vật. 
  • Hiện nay còn có rất nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng được sản xuất với số lượng lớn, trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA - đây là chất độc hại và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường thậm chí gây ung thư…

4. Các biện pháp hạn chế rác thải nhựa

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân

Cách tốt nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của rác thải nhựa, việc cần thiết phải thay đổi hành vi, bảo vệ môi trường bằng cách: hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa, thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải nhựa, không thải bỏ chất thải nhựa bừa bãi ra môi trường và thực hiện các biện pháp xử lý rác thải đúng cách, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

           Phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác tại nguồn giúp tiết kiệm được tài nguyên, đem lại lợi ích kinh tế cho chủ nguồn rác thải nhờ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân nhân tạo, góp phần giảm tổng lượng rác thải ra môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

  Tại các hộ gia đình có thể phân loại rác thành 03 loại sau:

          - Rác hữu cơ: Loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên và sinh ra mùi hôi thối, chẳng hạn như thức ăn thừa, rau, cá chết, vỏ trái cây...

          - Rác vô cơ: Rác vô cơ được chia thành rác tái chế và rác không tái chế. Tác tái chế là các loại rác có thể sử dụng nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như giấy, bìa các tông, kim loại, chai nhựa, đồ nhựa gia dụng...Còn rác thải không tái chế được là phần thải bỏ.

          - Chất thải nguy hại: Là các chất có đặc tính gây hại trực tiếp, dễ nổ, dễ cháy, dễ ăn mòn, lây nhiễm hay gây ngộ độc như pin hỏng, đèn huỳnh quang, bình ắc quy...

 

           Tái chế rác thải nhựa

Đây là phương pháp được ưu tiên tại nhiều quốc gia, bằng cách này chúng ta dễ dàng tận dụng lại rác thải nhựa để tạo ra những sản phẩm có ích và sử dụng được nhiều lần.

Thiêu đốt

Thiêu đốt rác thải nhựa ở nhiệt độ cao giúp rác thải nhựa phân hủy hoàn toàn, từ đó giúp giảm thể tích rác thải phải chôn lấp. Ngoài ra, đốt rác thải nhựa còn tạo ra năng lượng phục vụ các ngành công nghiệp khác như để phát điện, biến rác thành các nhiên liệu có ích...Hiện nay, ở một số tỉnh thành phố của nước ta đã áp dụng phương pháp thiêu đốt này. Hy vọng trong tương lai, phương pháp này sẽ được chú trọng đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại hơn nhằm xử lý lượng rác thải nhựa lớn đang được thải ra hàng ngày ở các tỉnh, thành phố.

                                                                                       Bs Trần Hương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết