• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm báo ngày 11/3/2020

NGÀY ĐẦU TIÊN ÁP DỤNG KHAI BÁO Y TẾ TỰ NGUYỆN: Người dân chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch COVID-19; Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra việc phòng chống dịch.

NGÀY ĐẦU TIÊN ÁP DỤNG KHAI BÁO Y TẾ TỰ NGUYỆN: Người dân chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch COVID-19

Ngày đầu tiên các ứng dụng (app) khai báo y tế tự nguyện được triển khai, đông đảo người dân đã tham gia đăng ký và coi đây chính là một hành động thiết thực, ý nghĩa trong việc chung sức, đồng lòng cùng nhau chống dịch COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 gây ra.

Hưởng ứng và chia sẻ

Sáng qua, 10.3, các ứng dụng khai báo y tế tự nguyện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã xuất hiện trên Googplay, App Store cũng như hai trang web hỗ trợ khai báo cũng đã được triển khai.

Do có thông tin từ trước, nhất là những phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong lễ ra mắt ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch diễn ra chiều 9.3, nhiều người dân đã nhanh chóng tải ứng dụng về điện thoại cũng như vào các trang web để khai thông tin.

Nguyễn Thị Hạnh - sinh viên năm cuối Học viện quan hệ Quốc tế cho biết: “Tôi và các bạn của mình rất trông chờ các ứng dụng này. Trong tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa. Đặc biệt qua ứng dụng, tôi sẽ được cập nhật thời gian thực tình trạng dịch bệnh khu vực xung quanh mình sinh sống hoặc những khu vực đang có dịch để chủ động tránh những địa điểm không an toàn”.

Ngay khi các ứng dụng được triển khai, hàng nghìn tải khoản đã được thiết lập. Anh Mạnh Hà - nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Việc khai báo dù không phải bắt buộc nhưng tôi cũng đã tham gia và khuyến khích bạn bè, người cùng cơ quan cùng tham gia ứng dụng này bởi ý nghĩa đặc biệt của nó. Đó chính là cách chúng ta chung tay chống dịch, bảo vệ sức khoẻ bản thân cũng là bảo vệ xã hội và bảo vệ sự an toàn cho cả cộng đồng. Qua ứng dụng khai báo y tế tự nguyện, tôi có thể xem các thống kê, thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục, các hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dịch hiệu quả và an toàn từ các chuyên gia y tế”.

Đồng quan điểm này, chị Giang Thu Thủy - giáo viên, 34 tuổi (xã Đường Lâm - TX.Sơn Tây - Hà Nội) khẳng định: “Tôi thấy có những trường hợp không khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch, nên đã lây lan bệnh có nhiều người khác, khiến cho cơ quan chức năng vô cùng vất vả để điều tra thông tin, khoanh vùng, cách ly. Như vậy làm ảnh hưởng rất lớn đến người khác và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của nhà nước. Tôi cho rằng việc tự nguyện khai báo y tế là hết sức cần thiết đối với mỗi người dân. Các phần mềm khai báo cũng rất dễ sử dụng, chỉ cần bỏ một chút thời gian là có thể khai báo thông tin. Đây là việc làm trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Tôi rất ủng hộ việc khai báo y tế”.

Cũng là một trong những người tải ứng dụng trong ngày hôm qua, ông Trịnh Thành Sáu - một cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu bổ sung: “Các thông tin trên ứng dụng đã rất hữu dụng rồi nhưng theo tôi, cần bổ sung thêm một vài lựa chọn nữa để khai báo cụ thể hơn. Ví dụ như sống gần vùng đang có dịch không, tên vùng dịch đó là gì hoặc khu vực bạn đang sống và làm việc có thuộc nơi nguy cơ cao không. Tôi cho rằng việc khai báo này, tính trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Bởi nếu khai báo sai, nhất là khai báo không đúng về người mắc bệnh, cơ quan chức năng sẽ mất công huy động nhân lực, vật lực xử lý gây lãng phí. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về việc khai báo của mình”.

Theo ông Sáu, trong mẫu khai cũng nên có thêm một số mục như tiểu sử bệnh tật cá nhân, nhóm máu. Người khai có thể điền vào những ô này hoặc không nhưng nó cần thiết và giúp các bác sĩ thuận lợi hơn nhiều trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh trong trường hợp người khai bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thông tin được bảo mật

Những ứng dụng ra đời đang được người dân ủng hộ. Tuy nhiên vẫn còn một số lo ngại về việc những thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại có thể chưa được bảo mật.

Về việc này, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) cho biết: Ứng dụng NCOVI do VNPT cùng các Cty ICT lớn ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển được Bộ Y tế, Bộ TTTT khuyến nghị toàn dân sử dụng sẽ do Nhà nước nắm giữ và bảo mật.

Ông Ngô Diên Hy cho biết: “Ứng dụng này được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. 100% dữ liệu được truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý và được giám sát chặt chẽ về an toàn, an ninh mạng. Như vậy, người dân có thể yên tâm về tính bảo mật cá nhân khi sử dụng ứng dụng này mà không lo bị lộ lọt thông tin cá nhân. Các dữ liệu của người đăng ký sẽ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng để Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 có những quyết định kịp thời giúp người dân phòng chống tốt nhất dịch này”.

Trao đổi với Lao Động về ý nghĩa của việc người dân chủ động khai báo y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng - Bộ Y tế cho rằng: “Khai báo y tế toàn dân tuy không bắt buộc, nhưng đây là nghĩa vụ của mỗi người dân vì có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch bệnh. Đơn cử như trong khai báo y tế, người dân sẽ khai báo tất cả những thông tin tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email... khi cần cơ quan chức năng có thể liên hệ trực tiếp với người dân. Đồng thời, người dân sẽ cung cấp thông tin liên quan tới tiền sử bệnh như có ho, sốt, khó thở hay không, có đi nước ngoài trong 14 ngày qua hay không; tiếp đến là khai báo những bệnh nền mà bạn có thể mắc phải như các bệnh mãn tính: Tim mạch, đái tháo đường... để ngành Y tế nắm được thông tin và có hướng xử lý, điều trị nếu cần. 

Những thông tin từ việc khai báo y tế sẽ được báo cho y tế cơ sở để liên hệ với người dân, hướng dẫn cho họ đi khám, xét nghiệm nếu cần thiết. Việc này hết sức có lợi, giúp cho ngành y tế nắm bắt thông tin nhanh trên phạm vi cả nước, để kịp thời xử lý, nếu chờ người dân đến cơ sở y tế rồi mới nắm được thông tin dịch bệnh sẽ mất thời gian hơn.

Ngoài việc khai báo y tế liên quan đến dịch bệnh, người dân còn được tư vấn về sức khỏe. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người dân khi tham gia phòng chống dịch bệnh đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc thông tin sớm, sẽ được chẩn đoán bệnh sớm, cách ly sớm và dịch bệnh sẽ không bùng phát ra” - ông Phu nhấn mạnh. (Lao động, trang 1; Nông thôn ngày nay, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 13).

 

Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra việc phòng chống dịch

Ngày 10-3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đoàn công tác của Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình về công tác phòng chống dịch Covid-19 và một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Các đoàn kiểm tra sẽ đi kiểm tra công tác phòng chống dịch của các cấp ủy, chính quyền. Hình thức kiểm tra là đột xuất nhằm phát hiện, nhân rộng cách làm hay, đồng thời chấn chỉnh, xử lý các tập thể cấp ủy, chính quyền và cá nhân lơ là, không làm tốt trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cùng ngày, trả lời báo chí trước một số thông tin cho rằng, kiểm dịch y tế đã “bỏ lọt” ca bệnh Covid-19 thứ 17 (bệnh nhân N.H.N, 26 tuổi, tạm trú ở phố Trúc Bạch, Hà Nội) khi nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) sáng ngày 2-3, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, bệnh nhân N.H.N khi nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 2-3, qua đo thân nhiệt, không có sốt, không ho.

Trong khi ở khâu kiểm dịch bằng tờ khai y tế, nữ bệnh nhân này cũng chỉ khai trở về từ Anh trên chuyến bay VN0054 chứ không khai đã đi qua các nước châu Âu khác. Do không thấy kê khai về từ vùng dịch, không sốt nên bệnh nhân N.H.N không bị đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

“Nếu có thông tin từ cảng vụ hàng không về việc chuyến bay về từ vùng dịch hoặc có trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch, hay qua kiểm dịch y tế phát hiện có trường hợp sốt, trường hợp về từ vùng dịch thì phải khử khuẩn máy bay, đưa người nghi ngờ đi ngay cách ly ngay. Còn như trường hợp này nếu nói kiểm dịch y tế bỏ lọt thì không chính xác”, ông Hiền nêu rõ. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh thủ đô, trang 2).

 

Công an Hà Nội triển khai tổng lực phòng chống dịch bệnh Covid-19

Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Công an tổ chức chiều 10-3 về phòng, chống dịch, bệnh Covid-19, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã tham luận nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19 của Công an Thành phố Hà Nội.

Chủ động, trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng

Trung tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ, với tinh thần khẩn trương, tích cực, ngay sau khi phát hiện ca dương tính thứ 17 vào chiều tối ngày 6-3, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid 19 của thành phố Hà Nội tại 2 cuộc họp đột xuất tối 6 và sáng 7-3, CATP Hà Nội đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo đó,  CATP đã chỉ đạo toàn bộ các lực lượng Công an không quản ngày đêm, rà soát, xác minh số người có tiếp xúc với bệnh nhân và tiếp xúc gần với người tiếp xúc với bệnh nhân, toàn bộ hành khách trên chuyến bay VN0054 để phối hợp với cơ sở y tế cách ly theo quy định, đảm bảo thời gian vàng để khoanh vùng là 72 tiếng sau khi phát hiện nhiễm virus, kheo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới.

Sơ bộ ngay trong đêm 6-3, cơ quan chức năng đã xác định được hơn 220 trường hợp và đang tiếp tục xác minh các trường hợp liên quan đến các ca bệnh mới; riêng đối với 5 trường hợp là người tạp vụ, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân thứ 17, đã xác minh khoảng 90 người thuộc diện F2 đến F4; hiện đang tiếp tục xác minh các trường hợp liên quan đến các ca bệnh mới (khoảng 750 trường hợp).

CATP Hà Nội cũng đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Thành phố xác minh những người trên chuyến bay VN0054 về Nội Bài ngày 2-3 có tiếp xúc gần với bệnh nhân để làm rõ lịch sử dịch tễ; chỉ đạo các đơn vị tổ chức xác minh các trường hợp F2, F3, F4 liên quan.

Hiện, CATP Hà Nội đang chỉ đạo các lực lượng tập trung rà soát, xác minh đối với tất cả các trường hợp thuộc các diện từ F1 đến F4 trên địa bàn Thành phố, trao đổi với ngành Y tế theo quy định; đồng thời xác minh làm rõ lịch sử dịch tễ đối với các dương tính khác tại các tỉnh, thành phố và xác định các trường hợp từ F1 đến F4 liên quan đến các trường hợp dương tính này.

Cùng với đó, CATP Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Ba Đình phối hợp phòng An ninh chính trị nội bộ xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an ninh trật tự, bố trí lực lượng giám sát, kiểm soát chặt chẽ 2 khu vực cách ly là phố Trúc Bạch và Bệnh viện Hồng Ngọc (là nơi ở và nơi bệnh nhân đến khám bệnh). Theo đó, đã xây dựng phương án, bố trí 7 chốt, mỗi chốt 5 người chia làm 6 ca, mỗi ca 4 tiếng; thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ.

Tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sỹ

Thời gian qua, CATP Hà Nội đã trang bị nhiều giường tầng phục vụ CBCS ăn nghỉ tại chỗ, không về nhà, về trụ sở, làm việc tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an. CATP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn chỉnh phương án lập chốt, cách ly “mẫu” một khu vực, địa bàn để Công an các đơn vị áp dụng, triển khai khi có yêu cầu.

Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, CATP đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát CBCS có khả năng tiếp xúc với những người nhiễm bệnh, người tiếp xúc với người bị nhiễm (các diện từ F1 đến F4) và đã rà soát, xác định 39 trường hợp CBCS có tiếp xúc với người có liên quan đến người nghi nhiễm bệnh (F2 đến F4); không có trường hợp nào thuộc diện F1.

“Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an và hướng dẫn của ngành Y tế, CATP đã xây dựng phương án hướng dẫn CBCS trong diện nghi ngờ thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch bệnh, trong đó nếu nghi ngờ có khả năng bị nhiễm phải chủ động đến cơ sở y tế để khai báo, xác định có thuộc diện 'F' hay không và thực hiện theo đúng quy định của ngành Y tế, kể cả cách ly tại nhà hay cơ sở y tế nếu trong diện buộc phải cách ly”, Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ và cho biết, trong quá trình đợi khám khai báo với cơ sở y tế, CBCS đã được quán triệt phải chủ động tự cách ly tại nhà hoặc đến Bệnh viện CATP.

Thời gian qua, CATP đã chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của CBCS. Cụ thể: thực hiện ngay việc khử khuẩn tất cả các trụ sở của CATP, trụ sở các đơn vị và phương tiện của lực lượng làm nhiệm vụ theo đúng hướng dẫn về y tế dự phòng của các cơ quan chuyên môn.

Có kế hoạch kiểm tra y tế đối với các đơn vị tham gia làm nhiệm ở các đơn vị, cơ sở y tế cách ly, các khu dân cư cách ly. Phối hợp với cơ quan y tế Thành phố kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các lực lượng tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, nhất là Xuất nhập cảnh, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

CATP cũng đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất để hỗ trợ y tế cũng như tổ chức cách ly tập trung cho nhân dân, CBCS khi có yêu cầu. Bố trí địa điểm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo ăn nghỉ, sinh hoạt tập trung cho CBCS làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức kiểm tra thân nhiệt, sức khỏe hàng ngày cho CBCS làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly y tế.

Giao Bệnh viện CATP duy trì và tổ chức thực hiện tốt công tác cách ly tập trung tại Bệnh viện CATP theo chỉ đạo của Thành phố; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức điều trị, cách ly cho CBCS trong CATP khi cần.

Kiên quyết không để tội phạm lợi dụng dịch bệnh vi phạm pháp luật

Những ngày qua, CATP Hà Nội tập trung tổng rà soát, lập danh sách người nước ngoài, người Việt Nam từ nước ngoài đi đến và qua các nước có dịch bệnh Covid-19 trên thế giới trong vòng 14 ngày, trong đó yêu cầu đơn vị nào để lọt danh sách và để xảy ra tình trạng người không có tên trong danh sách trên mà bị nhiễm virus, chịu trách nhiệm trước Giám đốc CATP.

Vừa chủ động ứng phó với với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, CATP đã chủ động triển khai nhiều nội dung đảm bảo ANTT. Cụ thể: CATP đã giao các đơn vị căn cứ phương án lập chốt, cách ly tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình chủ động xây dựng các phương án đảm bảo ANTT, cách ly một khu vực trên địa bàn khi có yêu cầu.

CATP giao lực lượng An ninh kinh tế, Cảnh sát kinh tế phối hợp với Sở Công thương chủ động phương án đảm bảo các nguồn cung hàng hóa, nhất là các sản phẩm thiết yếu về phòng chống dịch, lương thực, thực phẩm và có biện pháp tuyên truyền, không để người dân hoang mang. Chủ động nắm tình hình công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra đình công, lãn công gây phức tạp về ANTT. Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá, buôn lậu, sản xuất hàng giả; hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định.

Giao lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường nắm tình hình, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, đặc biệt liên quan trường hợp dương tính với Covid-19 tại Trúc Bạchyêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố khi đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung.

CATP cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính, Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra hành chính, tuần tra nhân dân, kiểm tra tạm trú, tạm vắng, nhất là các cơ sở lưu trú người nước ngoài; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát khu vực chủ động nắm tình hình liên quan đến số người nước ngoài và người Việt Nam trở về từ vùng dịch phục vụ công tác cách ly khi cần. Vận động, tuyên truyền, đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường trên địa bàn hạn chế hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở này, nhất là việc thực hiện các quy định về phòng ngừa dịch bệnh như trang bị khẩu trang y tế, cồn rửa tay, máy đo thân nhiệt...

Giám đốc CATP giao lực lượng Cảnh sát hình sự tăng cường tuần tra kiểm soát, phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là trong bối cảnh nhiều người dân về quê tránh dịch bệnh; quản lý chặt các đối tượng trọng điểm, các đối tượng nghiện, lang thang… (An ninh thủ đô, trang 5).

 

Sẽ có nhiều nguồn lây và ca nhiễm mới

Ngày 10/3, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam (ghi nhận 3 ca mắc mới), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, thời gian tới sẽ xuất hiện những nguồn lây và nhiều ca bệnh mới, cần nhiều giải pháp để lấp lỗ hổng trong phòng chống dịch.

Chưa chuẩn khi phân loại, cách ly người bệnh

Lãnh đạo ngành Y tế dự báo, sẽ có nhiều ca bệnh nghi ngờ đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Để bảo đảm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý ca bệnh Covid-19 tại các cơ sở này, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể. Tuy nhiên, một số nơi không thực hiện nghiêm, để lọt ca bệnh không được cách ly và quản lý kịp thời.

Trước tình hình đó, ngày 10/3, Đoàn kiểm tra Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác tiếp đón, phân luồng, cách ly bệnh nhân để phòng chống dịch Covid-19 tại một số bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. “Việc phân luồng đón tiếp bệnh nhân ngay từ đầu, cách ly riêng bệnh nhân nghi ngờ là đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã lan rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, các cơ sở y tế phải chủ động trong công tác tiếp đón, phân luồng, sàng lọc, cách ly bệnh nhân nếu có biểu hiện nghi ngờ”- PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Cục Khám chữa bệnh đã tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội, trong hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế đều nêu rõ là các cơ sở khám chữa bệnh đón tiếp phải phân loại, cách ly ngay từ ban đầu. Người bệnh bước chân vào viện, tiếp xúc với chỗ gửi xe, bảo vệ, các nhân viên tiếp đón đầu tiên phải phân luồng ngay. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, việc sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh đến khám vẫn chưa phù hợp, chưa khoa học và chưa đúng hướng dẫn của Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Medlatec, mặc dù diễn tập tình huống nghi nhiễm khá tốt nhưng vẫn chưa có bàn tiếp đón, phân luồng riêng người bệnh (nghi ngờ mắc Covid-19) và người bệnh đến khám bình thường, vẫn ngồi chung ghế, đo chung nhiệt kế… Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường, chủ động hơn nữa trong công tác khám phân loại, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh. Qua kiểm tra cho thấy có bệnh viện đã có khu cách ly nhưng có bệnh viện chưa làm chuẩn.

Nghiêm túc thực hiện những nội dung cấp bách

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ ra lỗ hổng trong việc quản lý, sàng lọc bệnh nhân. “Bài học ở Hà Nội, khi người bệnh đến Bệnh viện Hồng Ngọc là một minh chứng. Mặc dù bệnh viện đã phát hiện bệnh tốt, nhưng việc cách ly tới 17 nhân viên y tế có liên quan, tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm Covid-19 chứng tỏ quy trình phải đi qua rất nhiều khâu”, ông nói.

Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc chỉ đạo thực hiện một số nội dung cấp bách. Tiếp tục khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm cả nhà nước và tư nhân trên địa bàn thực hiện sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý điều trị ca bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Trong đó, đặc biệt lưu ý sàng lọc người bệnh ngay khi đến cơ sở, có biển chỉ dẫn phân luồng ngay tại cổng cơ sở khám chữa bệnh cho các đối tượng có triệu chứng lâm sàng sốt, ho, khó thở… yếu tố dịch tễ liên quan dịch Covid-19.

Phân công nhân viên y tế hướng dẫn sàng lọc toàn bộ người bệnh tới khám chữa bệnh trước khi vào Khoa khám bệnh (bằng bảng hỏi), tuyệt đối không để người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ vào chung phòng chờ khám bệnh với các người bệnh khác. Toàn bộ người bệnh có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ sẽ được phân luồng tới phòng chờ khám bệnh, phòng khám bệnh riêng biệt, đảm bảo các điều kiện cách ly.

Các phòng khám đa khoa, chuyên khoa nhà nước, tư nhân ngay sau khi phát hiện có ca bệnh nghi ngờ cần ghi lại thông tin liên lạc của người bệnh và báo ngay cho Sở Y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của địa phương để có biện pháp theo dõi, quản lý, cách ly người bệnh.

“Lách” khai báo y tế  gây nguy hiểm

Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết, việc khai báo y tế, cách ly phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe cho bản thân người được cách ly cũng như phòng bệnh cho những người xung quanh và cả cộng đồng. “Lách” khai báo khi trở về từ vùng có dịch để trốn cách ly là hành động thiếu ý thức phòng dịch, vô trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Đó là mối nguy có thể khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát khó kiểm soát”, ông Khoa khẳng định.

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam Kamal Malhotra. Ông Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của dịch Covid-19; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch. LHQ đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới. LHQ đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng. Các tổ chức LHQ ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hòa về công nghệ, kỹ thuật, hỗ trợ việc đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội… (Tiền phong, trang 3).

 

Việt Nam đủ nguồn lực, kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh

Thủ tướng chỉ đạo phải truy tìm và cách ly tất cả khách du lịch trong chuyến bay VN0054 đủ 14 ngày. Việc công bố thông tin liên quan dịch COVID-19 phải đảm bảo minh bạch, kịp thời, truy tìm nguồn lây một cách nhanh nhất.

Chiều 9-3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau khi nghe ý kiến từ Ban chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu sang một giai đoạn mới.

Không để lọt lưới người nhiễm bệnh

“Chúng ta cần nhìn nhận trạng thái mới của dịch bệnh COVID-19 ở nước ta một cách bình tĩnh. Việt Nam đủ năng lực, đủ nguồn lực và tinh thần, kinh nghiệm để kiểm soát dịch bệnh” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ sức khỏe của người dân là quan trọng nhất. Chính phủ sẽ không bị động, bất ngờ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe của nhân dân, người dân không chỉ nâng cao kiến thức y tế mà cần phải nâng cao ý thức bảo vệ chính bản thân, gia đình, bảo vệ cộng đồng. Phải chuẩn bị mọi điều kiện kịp thời, kể cả con người, phương tiện, cơ sở vật chất để sẵn sàng chiến đấu kịp thời, đặc biệt tăng cường năng lực y tế cả trung ương và địa phương.

Thủ tướng một lần nữa biểu dương sự nỗ lực của TP Hà Nội, các bộ Y tế, Công an, Ngoại giao, Quốc phòng và nhiều địa phương, bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh viện, các lực lượng tham gia quản lý cách ly… đã quyết liệt, kịp thời xử lý ngay khi có thông tin của bệnh nhân số 17.

Xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực

Thủ tướng chỉ đạo tất cả địa phương trong cả nước phải nghiêm ngặt, chặt chẽ, kịp thời kiểm điểm, kiểm soát tốt hơn nữa nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là nguồn lây từ nước ngoài.

Các lực lượng chức năng như hải quan, biên phòng, an ninh các cửa khẩu, sân bay phải kiểm soát nguồn nhập cảnh kỹ hơn, không để lọt lưới những người nhiễm bệnh hay nguy cơ nhiễm bệnh cao. Du lịch phải đảm bảo an toàn.

Cần phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo theo pháp luật. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Thủ tướng cũng lưu ý việc nhận diện, khoanh vùng, cách ly, chữa bệnh, đảm bảo vững tâm lý, hành động hợp lý, đúng mức là nhiệm vụ ưu tiên số một hiện nay. Phản ứng nhanh và hiệu quả là phương châm hành động.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ trận chiến chống dịch bệnh có thể kéo dài nhưng dân tộc chúng ta là dân tộc bền chí, càng đánh càng giỏi, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà là thắng lợi kép.

TP.HCM không để nhân viên y tế thiếu khẩu trang

Trong một diễn biến liên quan, chiều 9-3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo yêu cầu của sở này trước đây, các bệnh viện đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng khẩu trang nào thì hiện nay vẫn tiếp tục thực hiện.

Theo thông tin Sở Y tế TP nắm được, các đơn vị cung ứng khẩu trang đang tích cực, tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế. Nhìn chung, tình hình khẩu trang y tế cung cấp cho các cơ sở không thiếu hụt như một số thông tin đã lan truyền.

Ngoài ra, thời gian vừa qua, Sở Y tế cũng nhận được số lượng lớn khẩu trang y tế do các doanh nghiệp gửi tặng. Sở đã đưa vào kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các đơn vị của ngành y tế lưu giữ. Số khẩu trang này sẽ được phân phối cho các bệnh viện thiếu hụt khẩu trang đề phòng đơn vị cung ứng cung cấp không đủ, không để nhân viên y tế tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân thiếu khẩu trang.

Ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 31

Chiều tối 9-3, Bộ Y tế vừa công bố thêm một ca dương tính với COVID-19, đây là bệnh nhân nam người Anh, 49 tuổi, đang lưu trú tại Quảng Nam. Hiện bệnh nhân được điều trị và cách ly tại bệnh viện.

Bệnh nhân này cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân nữ số 17 tại Hà Nội. Như vậy trên chuyến bay này đã ghi nhận 12 ca dương tính với COVID-19.

Tính đến tối 9-3, Việt Nam đã ghi nhận 31 trường hợp mắc COVID-19 ở 10 tỉnh, thành phố. Trong đó đã có 16 trường hợp được chữa khỏi và xuất viện. Hiện sức khỏe những bệnh nhân này ổn định và đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện, những người tiếp xúc gần đã được cách ly, theo dõi sức khỏe tập trung và giám sát tại nhà.

Liên quan đến tình hình sức khỏe của đoàn công tác Bộ KH&ĐT đi trên chuyến bay VN0054, tính đến thời điểm 18 giờ ngày 9-3 (ngoại trừ ca bệnh số 21 đã được thông báo ngày 8-3), tất cả thành viên còn lại, kể cả Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã được xét nghiệm, có kết quả âm tính. (Pháp luật TP.HCM, ngày 10/3, trang 12; (Khoa học & Đời sống, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội cách ly hơn 700 người tiếp xúc F1, F2 với bệnh nhân

Trong vòng 48 giờ qua Hà Nội đã rà soát, xác định, lập danh sách để cách ly hơn 700 người có tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 mới phát hiện.

Chiều 9-3, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tại cuộc họp thông tin báo chí phản ánh về việc khách sạn Metropole Hà Nội (số 15 Ngô Quyền) bị cách ly do có hai khách được xác nhận dương tính với COVID-19 đã được quận Hoàn Kiếm khẳng định là “không chính xác”.

Cụ thể, ông Nguyễn Chí Lực, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết từ tối 8-3 đến sáng 9-3, quận tiếp tục rà soát và phun khử khuẩn tại các khách sạn có người Anh đang lưu trú.

Sáng 9-3 quận đã tiến hành phun khử khuẩn tại khách sạn Metropole (số 15 Ngô Quyền) và khách sạn Hanoi La Siesta Hotel Trendy (số 12 Nguyễn Quang Bích).

“Trong quá trình triển khai phun khử khuẩn tại khách sạn Metropole, quận có bố trí barie để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một số báo chí đưa thông tin quận Hoàn Kiếm phong tỏa khách sạn Metropole. Thông tin quận Hoàn Kiếm phong tỏa khách sạn Metropole là không chính xác…” - ông Lực nói.

Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng cho biết đến chiều cùng ngày công tác phun khử khuẩn đã hoàn tất, các khách sạn trên đã trở lại hoạt động bình thường.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “TP quyết liệt triển khai công tác phòng dịch nhưng không có chủ trương về việc phong tỏa các cơ sở kinh doanh khách sạn, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”.

Cũng theo chủ tịch Hà Nội, trong hai ngày qua, kể từ khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, tính tới nay Hà Nội đã rà soát, xác định được hơn 700 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với người bệnh, tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) để có giải khoanh vùng, cách ly cho từng trường hợp.

Trong số hơn 700 người này, có 500 trường hợp liên quan đến bệnh nhân 21 - là ông NQT, 61 tuổi, địa chỉ tại 7 Nguyễn Khắc Nhu, Trúc Bạch, Ba Đình, là người ngồi hàng ghế 5A cùng dãy với bệnh nhân NHN (ghế số 5K) trên cùng chuyến bay VN0054.

Cùng với đó, Hà Nội đã tiến hành khoanh vùng, cách ly, tiến hành phun khử khuẩn tại những khu vực có người bệnh lưu trú. “Cho đến thời điểm này, các ca bệnh lây nhiễm đều được xác định rõ nguồn gốc (từ chuyến bay VN0054 từ London về ngày 2-3). Chưa có ca bệnh nào lây nhiễm trong cộng đồng mà không rõ nguồn gốc” - ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát, xác định, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc dạng F1, F2, F3 đối với ca bệnh, đặc biệt những di tích, thắng cảnh tại TP.

Tất cả các đoàn công tác của TP Hà Nội có lịch đi công tác nước ngoài sẽ tạm dừng, trừ trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; dừng các hội nghị không cần thiết, dừng tổ chức các sự kiện đông người… (Pháp luật TP.HCM, ngày 10/3, trang 12).

 

Việt Nam nỗ lực chống dịch, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 10.3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực và đóng góp của các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và cá nhân Điều phối viên Kamal Malhotra trong việc tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình phát triển thời gian qua.

 Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác hiệu quả của Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng toàn cầu; khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên quyết, kịp thời, đồng bộ, do đó ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có mục tiêu kép không chỉ nỗ lực chống dịch thành công mà còn bảo đảm phát triển, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, trong hai tháng đầu năm, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều điểm nóng bùng phát, nhất là ở khu vực Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sơ bộ đánh giá đã nỗ lực đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Riêng trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức thành công buổi thảo luận về Hiến chương Liên Hiệp Quốc, qua đó đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của Hiến chương, của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa trên lập trường nguyên tắc, luôn xây dựng và trách nhiệm vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định ở các khu vực.

Điều phối viên Kamal Malhotra đánh giá rất cao nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để chặn đà lây lan của dịch Covid-19; đánh giá cao giai đoạn 1 và giai đoạn hiện nay mà Việt Nam đang tiến hành chống dịch. Liên Hiệp Quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

* Tuyên bố chung về khả năng phục hồi kinh tế ASEAN

Cùng ngày, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, diễn ra ở TP.Đà Nẵng với sự tham dự của các bộ trưởng kinh tế, các bộ trưởng đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Đáng chú ý, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một tuyên bố chung cấp bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội nghị cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Hôm nay (11.3), các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về phương hướng để các nước ASEAN có thể thúc đẩy việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). (Thanh niên, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Nhân dân, trang 1).


Nguồn:Trung tâm TT - GDSK TW Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB