• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế độ ăn và dinh dưỡng cho người Đái tháo đường

1.Thế nào là Bệnh Đái tháo đường
          Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường huyết mạn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hóa carbohydrat, có kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid và protein do giảm tuyệt đối tác dụng sinh học của insulin và/hoặc tiết insulin.
          Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 1998, chẩn đoán xác định ĐTĐ khi đường huyết (glucose máu) lúc đói≥1,26g/l hay ≥ 7,0 mmol/l (ít nhất 02 lần).
 2. Phân loại bệnh ĐTĐ:  ĐTĐ được chia làm 2 týp:
          - Týp 1: là ĐTĐ phụ thuộc insulin có liên quan tới sự thiếu hụt insulin, thường là kết quả của sự phá hủy tự miễn các tế bào õ của tụy; chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân ĐTĐ; thường gặp ở người trẻ và có thể trạng gầy.
          - Týp 2: là ĐTĐ không phụ thuộc insulin chiếm 90% tổng số người ĐTĐ nguyên phát, thường gặp ở người béo. Tuy nhiên, người gầy cũng gặp khoảng 15 - 20%. Giai đoạn sớm của đái tháo đường týp 2 được đặc trưng bởi sự sản xuất insulin quá mức. Khi bệnh tiến triển, mức insulin có thể giảm xuống như là kết quả của sự suy giảm một phần các tế bào beta sản xuất ra insulin của tụy.
3. Điều trị ĐTĐ: Trong điều trị ĐTĐ, mục tiêu điều trị là kiểm soát đường huyết để ổn định các chỉ số sau:
          - HbA1c< 7%
          - Glucose máu(GM) lúc đói nên duy trì ở mức 3,9-7,2 mmol/l
          - GM sau ăn 2h < 10mmol/l
          - Điều trị các yếu tố nguy cơ đi kèm: Tăng huyết áp(THA), rối loạn lipid máu.
          Để đạt được mục tiêu điều trị, ngoài việc sử dụng thuốc insulin hoặc thuốc uống để  làm giảm đường huyết theo chỉ định của bác sỹ, người bệnh cần chú ý thêm các yếu tố quan trọng là chế độ ăn và hoạt động thể lực.
3.1 .Vai trò của chế độ ăn: Ăn uống hợp lý góp phần:
          - Duy trì sức khoẻ cho bệnh nhân, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế có một số bệnh nhân khi bị bệnh ĐTĐ rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
          - Tránh tăng đường huyết quá mức do không biết chọn thực phẩm. ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến, hoặc ăn quá nhiều khoai củ. Tất cả là do thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm gây nên vì không được tư vấn làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh.
          - Hạn chế được dùng thuốc: nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống đúng sẽ làm glucose máu của bệnh nhân không tăng thêm và hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc không phải dùng thuốc nếu chưa có ĐTĐ lâm sàng
          - Hạn chế các biến chứng: chế độ ăn hạn chế glucose sẽ góp phần hạn chế các biến chứng xảy ra. Các tác giả cho rằng khi glucose máu quá cao thì rất dễ xuất hiện các biến chứng cấp tính.
          Ở giai đoạn ĐTĐ lâm sàng, thể phụ thuộc insulin hay không phụ thuộc insulin thì riêng chế độ dinh dưỡng không đủ để khống chế đường huyết mà phải điều trị tích cực thêm bằng thuốc và kèm theo chế độ vận động hợp lý. Tuy nhiên nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý ở giai đoạn này thì riêng thuốc không đủ để điều trị.
          Hiện nay, để điều trị ĐTĐ lâm sàng phải kết hợp chặt chẽ cả ba vấn đề: chế độ ăn - thuốc - hoạt động thể lực.


3.2.  Nguyên tắc dinh dưỡng điều trị
          * Nguyên tắc chung
          + Đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước.
          + Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
          + Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
          + Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
          + Duy trì được cân nặng lý tưởng.
          + Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận...
          + Phù hợp với thói quen ăn uống của bệnh nhân.
          * Tổng năng lượng hàng ngày
   Phụ thuộc vào từng bệnh nhân béo hay gầy, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân (đường máu và lipid máu), tính chất lao động và thói quen ăn uống hàng ngày của bệnh nhân.
          + Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì.
          - Nam giới:  26kcal/kg/ngày.
          - Nữ giới:     24kcal/kg/ngày.
          + Đối với những người ĐTĐ có lao động bình thường được thì có thể tính tổng năng lượng theo quy ước:
          - Nằm điều trị tại giường:      25kcal/kg/ngày.
          - Lao động nhẹ và vừa:       30 - 35kcal/kg/ngày.
          - Lao động nặng:            35 - 40kcal/kg/ngày.
         * Tỷ lệ thành phần thức ăn so với tổng năng lượng
   Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần:
         Glucid 50-60%;
         Protid 15-20%;
         Lipid 20-30% tổng số calo trong ngày.
         Acid béo no                 £ 10%.
         Acid béo không no đơn    £  10%.
         Acid béo không no đa      £  10%.
         Cholesterol:                 <  300mg/ngày.
         Chất xơ:                       20 - 35g/ngày.
3.3. Phân chia bữa ăn
          Đối với bệnh nhân ĐTĐ cần chia thức ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết. Nên ăn 5 - 6 bữa/ngày.
          Ăn sáng     : 20% tổng năng lượng/ngày.
          Phụ sáng    : 10% tổng năng lượng/ngày.
          Ăn trưa      : 25% tổng năng lượng/ngày.
          Phụ chiều  : 10% tổng năng lượng/ngày.
          Ăn tối        : 25% tổng năng lượng/ngày.
          Phụ tối       : 10% tổng năng lượng/ngày.
3.4. Chọn thực phẩm
  Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp:
           + Cung cấp glucid: giảm gạo, mỳ, ngô, khoai; không nên ăn miến.
           + Cung cấp protein: các loại thịt nạc, sữa không đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng.
           + Cung cấp lipid: nên dùng dầu thay mỡ, không ăn những sản phẩm nhiều cholesterol như các loại phủ tạng (320 - 5000mg%).
           + Cung cấp vitamin và khoáng: các loại rau, củ, quả tươi, hạn chế ăn những quả quá ngọt như:  chuối, mít, na (glucid từ 11,4 - 22,4%)...
           + Bớt rượu (1g cho 7kcal).
Lưu ý khi dùng chất tạo ngọt:
     Để cho thức ăn có vị ngọt người ta dùng các “chất tạo vị ngọt”. Các chất này có vị ngọt cao hơn nhiều lần so với đường saccharose nhưng lại không cung cấp năng lượng hoặc rất ít, một số chất bị phá hủy khi đun nóng, một số chất có dư vị khó chịu.
     Một số chất tạo vị ngọt được dùng thông dụng hiện nay như: Saccharin, Cyclamat, Aspartam...Các chất này được dùng trong đồ uống và trong công nghiệp thực phẩm (bánh, kẹo, kem...) với liều cao kéo dài có thể gây tác hại trên súc vật thí nghiệm: ung thư bàng quang, quái thai. Nếu dùng vừa phải cho tới nay người ta chưa thấy có tác dụng có hại trên bệnh nhân ĐTĐ.
     Trên đồ giải khát có chữ “light” đều chứa chất tạo vị ngọt thay cho đường saccharose và người ĐTĐ có thể dùng: D. Light, Funlight, Colalight... trừ fantalight có chứa ít fructose, cinderlight có rượu, có độ đường tương đương với sữa.
     Nhưng khi có chữ “ light ” trong các thức ăn thì chỉ có nghĩa là độ đường và các chất béo giảm 25 - 50% so với thức ăn bình thường, quy định này thay đổi tùy theo mỗi nước.
3.5. Thực đơn
Ví dụ 1. Cách tính toán để xây dựng khẩu phần cụ thể cho bệnh nhân ĐTĐ (nặng 50kg, nằm viện) như sau:
3.5.1. Tổng năng lượng cần thiết cho một ngày
     25 Kcal/kg x cân nặng cơ thể = 25 kcal x 50 = 1250 kcal.
     Cơ cấu của chế độ ăn như sau:
     Tổng năng lượng: 1250kcal/ngày.
     Trong đó: Glucid : 60%. Protid  : 20%. Lipid   : 20%
3.5.2. Năng lượng do glucid cung cấp
     Năng lượng cung cấp do glucid  bằng 60% tổng số năng lượng, sẽ là:
     1250 kcal x 60% =750kcal.
     Lượng glucid trong chế độ ăn là:
     750 kcal : 4kcal/g = 187,5g.
3.5.3. Năng lượng do protein cung cấp
     Năng lượng do protein cung cấp bằng 20% tổng số năng lượng, sẽ bằng:
     1250kcal x 20% = 250 kcal.
     Lượng protein trong khẩu phần là:
     250 kcal: 4kcal/g = 62,5 g.
3.5.4. Năng lượng do lipid cung cấp
     Năng lượng do lipid cung cấp bằng tổng năng lượng trừ đi năng lượng do protein và glucid cung cấp:
     1250 kcal - (750kcal + 250kcal) = 250 kcal.
     250kcal : 9kcal/g = 27,7 g.
Ví dụ 2: Chế độ ăn cho người Đái tháo đường 70kg như sau:
     Số năng lượng cần: 25 Kcal/kg x cân nặng cơ thể =  25kcal x 70 kg = 1.750 kcal/ngày
         - Glucid: 60% = 1.750x60 = 1.050 kcal
           Tính số g Glucid: 1.050:4kcal/1g = 262,5g
         - Protein: 1.750 x20% =350 kcal
           Tính số g Protein: 350:4kcal/1g = 87,5g
         - Lipid: 1.750kcal –( Glucid : 1.050 + Protein: 350) = 350 kcal
           Tính số gam lipit: 350 kcal : 9 kcal/g= 38,8 g
4. Vai trò hoạt động thể lực
     Hoạt động thể lực tối thiểu 30 phút/ngày, 05 ngày/tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước tập. Các loại hình luyện tập như: đi bộ, bơi lội, cầu lông, leo cầu thang…nhưng phải phù hợp với tình hình sức khỏe, biến chứng và bệnh kèm theo nếu có. Lưu ý khi đường huyết lúc đói < 5mmol/l hay >14 mmol/l lúc đói không luyện tập. Cần tham khảo ý kiến các thầy thuốc và bác sỹ chuyên khoa trước và sau luyện tập.
Tài liệu tham khảo:
1. Hướng dẫn chẩn đoán và Điều trị Bệnh Nội khoa(2012), Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai - NXB Y học.
2.Viện dinh dưỡng (2000), Bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam, NXB Y học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết