Dinh dưỡng và tập luyện để tránh biến chứng cho người bệnh Đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mạn tính có đặc điểm chính là glucose trong máu tăng cao, lâu ngày sẽ làm tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể và gây biến chứng.
Ăn uống lành mạnh
Với người bệnh đái tháo đường, ăn uống lành mạnh là điều vô cùng quan trọng để giúp đường huyết ổn định.
Nguyên tắc về chế độ ăn đối với bệnh nhân đái tháo đường là nên ăn đúng giờ, đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều), ăn thêm bữa phụ để tránh bị hạ đường huyết khi sử dụng thuốc điều trị.
Không nên ăn quá ít, không bỏ bữa, ăn chậm nhai kỹ, ăn vừa đủ với nhu cầu cơ thể. Tránh chế biến những món hầm nhừ, xay nhuyễn, chiên, nướng, nên ăn các món chế biến đơn giản: hấp, luộc.
Ăn uống lành mạnh để giúp kiểm soát đường huyết và kiểm soát cân nặng. Nếu thừa cân hoặc béo phì, hãy lập kế hoạch giảm cân.
Để giảm cân, cần ăn ít calo hơn và thay thế những thực phẩm ít lành mạnh hơn bằng những thực phẩm ít calo, chất béo và đường.
Nếu phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì và đang có kế hoạch sinh con, nên cố gắng giảm cân thừa trước khi mang thai. Tìm hiểu thêm về kế hoạch mang thai nếu mắc bệnh tiểu đường.
Những thực phẩm người bị đái tháo đường nên ăn
Người bệnh có thể lo lắng mắc bệnh đái tháo đường không được ăn những món mình thích. Tuy nhiên, không phải vậy, người bệnh vẫn có thể ăn những món ăn yêu thích của mình nhưng có thể cần ăn khẩu phần nhỏ hơn hoặc thưởng thức chúng ít thường xuyên hơn.
Chìa khóa để ăn uống cho người mắc bệnh tiểu đường là ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh từ tất cả các nhóm thực phẩm, với số lượng mà kế hoạch bữa ăn của bệnh nhân được bác sĩ vạch ra.
Các nhóm thực phẩm bao gồm:
- Rau: bông cải xanh, cà rốt, củ cải trắng, rau xanh, ớt chuông, bầu, bí, cà chua…
- Trái cây bao gồm cam, quả mọng, táo, lê, ổi, bưởi…
- Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mì, gạo, yến mạch, bột ngô, lúa mạch.
- Chất đạm: Thịt nạc, gà không có da, cá, trứng...
- Các loại hạt: đậu Hà Lan, đậu xanh nguyên vỏ; đậu phụ.
- Sữa không béo hoặc ít béo, hoặc sữa không chứa lactose nếu không dung nạp lactose, sữa chua...
- Các loại cá như cá hồi, cá ngừ và cá thu…
Những thực phẩm và đồ uống người đái tháo đường cần hạn chế
Thực phẩm và đồ uống cần hạn chế bao gồm:
- Thực phẩm chiên và các thực phẩm khác chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
- Thực phẩm chứa nhiều muối.
- Đồ ngọt, đồ nướng, kẹo và kem.
- Đồ uống có thêm đường như nước trái cây, soda, nước tăng lực...
Uống nước thay vì đồ uống có đường. Cân nhắc sử dụng chất thay thế đường trong cà phê hoặc trà.
Người bệnh đái tháo đường cần tăng cường vận động, tập thể dục
Vận động, tập thể dục là một phần quan trọng trong việc kiểm soát mức đường huyết, có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hoạt động thể chất nhằm giảm lượng đường trong máu; Làm giảm huyết áp; Cải thiện lưu lượng máu; Đốt cháy thêm calo để có thể giảm cân nếu cần; Cải thiện tâm trạng và có thể ngăn ngừa té ngã và cải thiện trí nhớ ở người lớn tuổi; Có thể giúp ngủ ngon hơn.
Nếu người bệnh đái tháo đường thừa cân, việc kết hợp hoạt động thể chất với kế hoạch ăn uống giảm lượng calo có thể mang lại nhiều lợi ích hơn nữa. Nghiên cứu cho thấy người bệnh tiểu đường, người trưởng thành thừa cân mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ăn ít hơn và di chuyển nhiều hơn sẽ nhận được lợi ích sức khỏe lâu dài lớn hơn so với những người không thực hiện những thay đổi này. Những lợi ích này bao gồm cải thiện mức cholesterol, ít ngưng thở khi ngủ và có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường được khuyến cáo nên dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày hoặc vận động mạnh 05 ngày trong tuần. Nếu muốn giảm cân hoặc duy trì việc giảm cân, người bệnh cần phải hoạt động thể chất từ 60 phút trở lên 5 ngày trong tuần.
Dinh dưỡng và hoạt động thể chất là những phần quan trọng của lối sống lành mạnh khi mắc bệnh tiểu đường. Việc tuân theo chế độ điều trị, ăn uống lành mạnh và vận động tích cực có thể giúp duy trì mức đường huyết, ngoài ra tái khám hoặc khám định kỳ để phát hiện, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của tiểu đường như: suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, nhiễm toan ceton, đột quỵ...