Thái Bình ghi nhận thêm 02 ca mắc sởi
Hiện nay, tình hình bệnh sởi ở trẻ em trên địa bàn một số tỉnh, thành phố vẫn đang có diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là phần lớn số ca mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo.
Tại Thái Bình, trong tuần từ ngày 09/12 đến ngày 15/12/2024 đã ghi nhận thêm 02 ca mắc sởi trên địa bàn Thành Phố, như vậy từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận 07 ca sởi, không ghi nhận ca tử vong do sởi.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế Thành phố điều tra dịch tễ và tăng cường giám sát, hỗ trợ địa phương triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định tại các địa phương có ca mắc, hiện không ghi nhận ca bệnh thứ phát tại cộng đồng.
Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, có khả năng bùng phát thành dịch lớn do khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp. Trung bình 1 người mắc sởi có khả năng lây cho 12-18 người khoẻ mạnh, hoặc người chưa tiêm vắc xin.
Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Sởi có khả năng lây truyền mạnh trong môi trường tập thể như trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu dân cư,… Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vắc xin và không có miễn dịch từ mẹ truyền sang là nhóm có nguy cơ mắc bệnh sởi cao nhất, những người chưa mắc sởi hoặc chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh trước đây. Trẻ suy dinh dưỡng hoặc người suy giảm miễn dịch cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao do sởi.
Để tăng cường miễn dịch cộng đồng, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ trẻ trước bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm vắc xin sởi cho cả người lớn và trẻ em, đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vắc xin sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.
Chủ động tiêm ngừa sởi là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, hiện có 3 loại vắc xin phòng sởi trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng và dịch vụ bao gồm: Mũi sởi đơn, mũi vắc xin phối hợp sởi-rubella và sởi-quai bị-rubella. Trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi trở lên cần tiêm đúng lịch, đủ mũi vắc xin sởi.
Tùy vào lịch tiêm phòng trước đó, trẻ từ 4 đến 6 tuổi cần tiêm nhắc bổ sung vắc xin sởi-quai bị-rubella để gia tăng hiệu quả miễn dịch. Người trưởng thành chưa tiêm hoặc không nhớ đã chủng ngừa hay chưa cần tiêm 2 mũi vắc xin phòng sởi để tránh lây bệnh cho trẻ nhỏ và những người xung quanh. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi tăng hiệu quả phòng bệnh đến 97%.
Ngoài việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đầy đủ và đúng lịch, người dân cần thực hiện thêm các cách phòng bệnh sởi như: Đeo khẩu trang khi ra đường đặc biệt là khi đến những nơi đông đúc, tránh tiếp xúc với người bệnh, tăng cường vệ sinh cá nhân (rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt hằng ngày), giữ ấm cơ thể kết hợp cùng bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.