• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh sỏi thận

Bệnh sỏi thận là hiện tượng sỏi hình thành do bị lắng cặn muối và khoáng chất bên trong thận. Bệnh có nhiều nguyên nhân hình thành và gây ảnh hưởng đến các bộ phận của đường tiết niệu, như thận, bàng quang...Sỏi thận là bệnh lý sỏi tiết niệu gặp cả ở nam và nữ, tuy nhiên hay gặp ở nam giới trung niên. Tại Việt Nam, người mắc sỏi thận chiếm tới 40% dân số. Để ngăn chặn sự hình thành sỏi thận, việc duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và uống đủ nước là vô cùng cần thiết.

Đối với các loại sỏi thận nhỏ có thể tự thoát ra ngoài tự nhiên qua đường tiểu tiện và có thể khiến người bệnh rất đau. Tuy nhiên, nhiều loại sỏi thận to cần được điều trị kịp thời, nếu không sẽ gây ra các biến chứng.

1.Nguyên nhân gây sỏi thận

- Uống không đủ nước dẫn đến tình trạng nước tiểu bị cô đặc, lắng đọng các tinh thể bão hòa trong nước tiểu.

- Dị dạng bẩm sinh đường tiết niệu hoặc nước tiểu không thể thoát ra bị tích trữ lại lâu dần tạo thành sỏi.

- Người bệnh bị phì đại tiền liệt tuyến, túi thừa trong bàng quang làm cho nước tiểu bị đọng lại ở khe kẽ.

- Người bệnh không đi lại được phải nằm một chỗ trong thời gian dài.

- Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục không được điều trị dứt điểm.

- Người mắc bệnh đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tiêu chảy… cũng có thể hình thành sỏi Calci Oxalat; người bị tiêu chảy làm mất nước, mất các ion Na+ K+,… giảm lượng nước tiểu; nồng độ Oxalat trong nước tiểu tăng,… từ đó dễ hình thành sỏi.

- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: ăn nhiều muối NaCl, cơ thể phải tăng đào thải Na+, tăng Ca++ tại ống thận… Do đó, sỏi Calcium dễ hình thành; ăn nhiều đạm làm tăng nồng độ pH nước tiểu, tăng bài tiết Calcium và lại làm giảm khả năng hấp thu Citrate; bổ sung Calcium, Vitamin C sai cách dẫn đến tình trạng cơ thể thừa các chất này sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi tại đây.

- Yếu tố di truyền: Bệnh cũng có thể do gen trong gia đình. Nguy cơ mắc bệnh trong các thành viên cùng huyết thống, cao hơn bình thường.

- Béo phì: Theo một số nghiên cứu, nguy cơ mắc bệnh sỏi thận ở người béo phì sẽ cao hơn người bình thường.

3. Dấu hiệu khi bị sỏi thận

Cấu trúc đường tiết niệu của con người không có chức năng loại bỏ các chất thải rắn, do đó không có gì ngạc nhiên khi sỏi thận xuất hiện, mắc kẹt trong đường tiết niệu, gây cảm giác rất đau, người ta gọi đó là "cơn đau quặn thận".

Đau: Sỏi thận gây đau ở vùng hố thắt lưng một bên, lan ra phía trước, xuống dưới. Đó là khi khởi phát, xuất hiện rất đột ngột, sau khi có một hoạt động gắng sức hay đi đường xa bị xóc. Người bệnh thường đau quằn quại, vật vã, cường độ đau mạnh dần.

Các biểu hiện đi kèm theo cơn đau sỏi thận là buồn nôn, nôn, chướng bụng... Bệnh nhân có thể bị sốt, rét run nếu có nhiễm trùng tiết niệu kết hợp.Các trường hợp sỏi có bề mặt nhám, gai xù xì như san hô… khi cọ xát vào đường tiểu thì gây đi tiểu ra máu.

Bí tiểu, tắc đường tiểu: Bao gồm bí tiểu, bế tắc thận, thận ứ nước căng to. Vì các dấu hiệu này tương tự với nhiều bệnh khác nên người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị.

4.Các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh Sỏi thận

- Người sống tại khu vực có khí hậu nhiệt đới, uống ít nước lại bị ra mồ hôi nhiều dẫn đến thiếu nước.

- Người ăn quá nhiều protein, muối hoặc đường.

- Người đã từng trải qua phẫu thuật hoặc sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ cao gây sỏi thận.

- Người có tiền sử bị sỏi thận.

  1. Cách phòng tránh bệnh sỏi thận

 - Uống nhiều nước.

 - Cắt giảm các sản phẩm chứa nhiều oxalat.

- Giảm lượng muối ăn hàng ngày.

- Cắt giảm lượng caffeine.

- Kiểm soát việc tiêu thụ các chất đạm động vật, bao gồm thịt, trứng và cá...

- Duy trì cân nặng ở mức an toàn.

- Khi cảm thấy cơ thể có bất kỳ vấn đề bất thường nào về đường tiết niệu, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết