Bệnh gout đang ngày càng trẻ hóa
Bệnh gout là một loại viêm khớp do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể. Trước đây, bệnh gout được xem là bệnh của người già và thường xuất hiện ở độ tuổi từ 40 – 50 nhưng hiện nay, bệnh đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa do thói quen ăn uống và cách sinh hoạt chưa khoa học.
Bệnh gout hiện nay đang ngày càng trẻ hóa là do một số nguyên nhân:
Chế độ ăn uống không khoa học
Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh gout ngày càng phổ biến ở người trẻ tuổi là do thói quen ăn uống kém lành mạnh, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu đạm (purine) như: thịt đỏ (như thịt bò, thịt cừu), nội tạng động vật, các loại đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu xanh), một số loại rau củ như nấm, bông cải xanh, măng tây, bơ,...
Trong cơ thể, acid uric được sản sinh tự nhiên và đóng vai trò như một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa. Tuy nhiên, acid uric còn được tạo ra khi cơ thể phân hủy purine – một hợp chất có trong nhiều loại thực phẩm. Trên thực tế, purine không phải là một chất gây hại nếu tiêu thụ ở mức độ hợp lý. Tuy nhiên, khi cơ thể hấp thụ quá nhiều thực phẩm giàu purine trong thời gian dài, lượng acid uric được sản sinh vượt mức cần thiết. Thận có thể không đào thải kịp lượng acid uric dư thừa, dẫn đến tích tụ trong máu. Khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, tinh thể urat bắt đầu lắng đọng tại các khớp, gây viêm đau, sưng đỏ – biểu hiện đặc trưng của bệnh gout.
Thói quen lạm dụng đồ uống có cồn
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn như rượu, bia, cũng là một yếu tố nguy cơ lớn làm tăng khả năng mắc bệnh gout ở người trẻ tuổi. Rượu bia không chỉ chứa hàm lượng purine cao mà còn làm gián đoạn quá trình đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Khi uống rượu, thận phải ưu tiên lọc và đào thải ethanol – thành phần chính trong đồ uống có cồn, thay vì acid uric. Điều này dẫn đến tình trạng acid uric bị giữ lại trong máu với nồng độ cao hơn mức bình thường.
Hơn nữa, khi sử dụng rượu, bia thường xuyên, cơ thể dễ mất nước dẫn đến làm giảm khả năng hòa tan acid uric. Đây cũng chính là lý do tại sao những người có thói quen uống rượu bia lâu năm thường dễ bị bệnh gout hơn. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng bia rượu ở người trẻ trong các buổi tiệc tùng, tụ tập càng làm tăng nguy cơ mắc gout ở độ tuổi ngày càng sớm hơn.
Lười vận động và béo phì
Thói quen lười vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì – yếu tố nguy cơ cao gây bệnh gout. Khi cơ thể ít vận động, năng lượng dư thừa không được đốt cháy, dễ tích tụ dưới dạng mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng. Điều này làm rối loạn chuyển hóa, khiến cơ thể sản sinh nhiều acid uric hơn mức bình thường.
Mặt khác, người thừa cân béo phì thường có xu hướng tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu đạm và chất béo, những thực phẩm giàu purine, làm tăng nguy cơ tích tụ acid uric trong máu. Khi khối lượng mỡ thừa trong cơ thể càng lớn, áp lực lên các khớp xương càng cao, đặc biệt ở các khớp nhỏ như ngón chân cái – nơi dễ bị tổn thương bởi các tinh thể urat lắng đọng.
Việc duy trì lối sống thiếu vận động trong thời gian dài không chỉ gây ra gout mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý chuyển hóa khác như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao..
Yếu tố di truyền và bệnh lý thận
Trong cơ thể, thận đóng vai trò lọc acid uric ra khỏi máu và đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, nếu có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến thận như suy thận, nguy cơ mắc bệnh gout sẽ cao hơn do yếu tố di truyền. Khi chức năng thận suy giảm, quá trình loại bỏ acid uric bị ảnh hưởng, khiến nồng độ chất này trong máu tăng cao, từ đó dẫn đến gout.
Ngoài ra, một số người có cấu trúc enzyme chuyển hóa purine bị rối loạn do di truyền, dẫn đến việc sản xuất acid uric nhiều hơn bình thường ngay cả khi chế độ ăn không quá giàu purine.
Tác dụng phụ của thuốc
Việc lạm dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc lợi tiểu và aspirin liều thấp khi dùng không đúng cách, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout. Nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ hoặc tự ý dùng các loại thuốc không kê đơn, acid uric có thể tích tụ trong cơ thể ở mức cao, dẫn đến bệnh gout.
Bệnh gout ở người trẻ tuổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, tác nhân chính chủ yếu đến từ chế độ ăn uống không lành mạnh, lạm dụng đồ uống có cồn, lười vận động, yếu tố di truyền và tác dụng phụ của thuốc. Để phòng ngừa bệnh gout, cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thường xuyên vận động thể chất, đồng thời thận trọng trong việc sử dụng thuốc điều trị bệnh để bảo vệ sức khỏe.