• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình dịch sởi tại một số tỉnh, thành phố vẫn đang có diễn biến phức tạp

Hiện nay, tình hình dịch sởi ở trẻ em trên địa bàn một số tỉnh, thành phố vẫn đang có diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là phần lớn số ca mắc bệnh sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 90%). Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.

Bác sỹ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết: Hiện tại, dịch sởi đã đến chu kỳ xuất hiện lại (theo chu kỳ 4-5 năm/1 lần), tuy nhiên thời tiết chuyển mùa từ mùa Đông lạnh chuyển mùa sang Xuân là thời điểm lý tưởng để virus sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như: Trẻ sốt cao 5 - 7 ngày, ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa; trẻ xuất hiện phát ban từ ngày thứ 3 của sốt, ban đỏ lấm tấm từ mặt lan xuống cổ, thân mình và chi, kèm viêm kết mạc mắt; khám có hạt koplic niêm mạc má; ban tồn tại 3 ngày và bắt đầu mờ dần từ ngày thứ 4 để lại vết thâm trên da, vẩy trắng nhẹ, có thể mệt li bì.

Đặc biệt, trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng do có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng: viêm não, viêm cơ tim...

Để tăng cường miễn dịch cộng đồng, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm, bảo vệ trẻ trước bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm vắc xin sởi cho cả người lớn và trẻ em, đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay. Đặc biệt, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vắc xin sởi trước 3 tháng. Khi bị bệnh sởi, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị vì nếu không đúng cách có thể làm bệnh trở nặng và dễ bị nhiều biến chứng.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi lây lan, Sở Y tế tỉnh yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng.

Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm việc cung ứng và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, đồng thời thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết