• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ SƠ SINH

Ở trẻ sơ sinh, do hệ miễn dịch còn non nớt nên trẻ rất dễ mắc bệnh. Hơn nữa, bệnh cũng dễ tiến triển nặng nếu cha mẹ không chăm sóc trẻ đúng cách và chủ động đưa trẻ đi khám sớm. Vì vậy cha mẹ cần có những kiến cơ bản về dấu hiệu nhận biết và cách xử lý đối với những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, để biết cách bảo vệ, chăm sóc bé. Một số lưu ý dành cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh như sau:

1. Bệnh về đường hô hấp

- Cảm lạnh: Thường là do virus, dị ứng thời tiết, bụi bẩn,... Trẻ bị bệnh thường gặp phải một số triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũithở khò khè,...

- Nấc cụt: Là hiện tượng trẻ sơ sinh rất hay gặp, biểu hiện là trẻ thường nấc liên tục, mỗi lần nấc khoảng 3 phút và tần suất khoảng 3 lần trở lên mỗi ngày.

- Nhiễm trùng đường hô hấp: Thường do trẻ bị nhiễm lạnh hoặc bị lây nhiễm từ người lớn với các biểu hiện như khò khè, sốt, sổ mũi, trường hợp nặng có thể gây thở gấp, co giật,… Giai đoạn đầu, trẻ thường không có biểu hiện đặc biệt. Khi bệnh trở nặng, trẻ bú kém, sốt hoặc hạ thân nhiệt, li bì, thở nhanh hay khó thở,...Với những trường hợp trẻ viêm phổi, nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể gây tím tái, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

2. Các bệnh ngoài da

Trẻ sơ sinh rất dễ mắc các bệnh ngoài da do làn da của bé mỏng manh và nhạy cảm như:

- Bệnh vàng da:

+ Vàng da sinh lý do cơ thể tích tụ nhiều bilirubin, trẻ vàng da nhưng vẫn ăn và ngủ tốt. Sau một vài tuần, tình trạng vàng da sẽ mất đi.

+ Vàng da bệnh lý, có thể vì những nguyên nhân như bệnh gan, tắc mật, nhiễm trùng. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 3 ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.

- Mụn sữa: Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ nội tiết tố của mẹ, do da trẻ quá mỏng, yếu hoặc cũng có thể do bệnh phì đại tuyến bã. Một số triệu chứng bệnh là những nốt mụn nhỏ mọc nhiều trên da và kèm theo hiện tượng sưng tấy da.

- Viêm da do tiết bã: Có thể do môi trường ẩm ướt hay liên quan đến di truyền. Biểu hiện là những vảy nhờn dính xuất hiện ở đỉnh đầu hay mông của trẻ, thường gặp ở những trẻ 2 tuần tuổi trở lên.

- Chàm Eczema: Nguyên nhân là do tăng tiết bã nhờn hoặc do di truyền hay do trẻ tiếp xúc nhiều với lông động vật. Biểu hiện là ngứa, da nổi mụn nước và có phản ứng kích ứng khi cho trẻ tiếp xúc với chất tẩy rửa.

- Rôm sảy: Hay gặp vào mùa hè, nguyên nhân do trẻ tiết mồ hôi nhiều. Biểu hiện là những mụn nước nhỏ nổi trên da mặt, tay, lưng và cổ của trẻ.

- Hăm vùng khe kẽ: Nguyên nhân thường do cha mẹ cho trẻ dùng tã bỉm nhiều và chưa vệ sinh đúng cách, biểu hiện là xuất hiện vết ửng đỏ hoặc có thể bị rộp nước vùng bẹn hay mông khiến trẻ rất đau.

3. Những vấn đề về tiêu hóa

- Nôn trớ, sặc: Có thể do mẹ cho bú sai cách, bú quá nhiều, nằm khi vừa bú xong hoặc cũng có thể là do trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, trẻ bị trớ ra sữa màu vàng hay màu trắng.

- Tiêu chảy: Có thể do chế độ dinh dưỡng của mẹ hoặc do trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa với các biểu hiện đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, mùi tanh, nghiêm trọng hơn là có máu trong phân.

Táo bón: Có thể do chế độ ăn của mẹ nhiều đồ cay nóng hoặc do trẻ không hợp sữa công thức, biểu hiện là hơn một ngày trẻ mới đi ngoài, phân của trẻ khô, rắn, trẻ thường phải rặn khi đi ngoài.

4. Một số bệnh khác

- Nhiễm khuẩn rốn, polyp rốn,...cần phát hiện và xử lý sớm, nếu không có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

- Tưa lưỡi: Nguyên nhân là do virus hay vi khuẩn. Bệnh gây ra những vết loét hay mảng trắng ở lưỡi khiến trẻ bỏ bú, biếng ăn.

- Rốn lồi: Do thoát vị rốn, rốn của trẻ lồi ra khá rõ nhưng không gây đau.

- Huyết tán: Nguyên nhân là do không có sự tương thích giữa máu của mẹ và thai nhi, biểu hiện là tình trạng vàng da.

- Sụt cân tuần đầu sau sinh: Có thể do trẻ bị mất nước qua da, nôn ra các dịch nuốt phải trong khi mẹ sinh ra do trẻ thường xuyên đi tiểu.

Viêm kết mạc: Do trẻ không được vệ sinh mắt tốt hoặc trẻ bị lây nhiễm bệnh từ mẹ như bệnh lậu, chlamydia,...với biểu hiện hai mi của trẻ sưng lên, chảy nước mắt,...

5. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

   Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần lưu ý:

- Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách.

- Tắm rửa, vệ sinh đúng cách cho trẻ.

- Theo dõi trẻ mỗi ngày, nếu phát hiện các tình trạng vàng da, hô hấp bất thường hay các dấu hiệu khác thường cần đưa trẻ đi khám kịp thời

- Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ theo lịch qui định.

- Cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho con bú sữa mẹ đến đủ 2 tuổi. Khoảng 6 tháng tuổi, cho trẻ ăn dặm, cần đảm bảo lựa chọn đồ ăn thích hợp và đảm bảo vệ sinh cho trẻ. Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm để tránh gặp phải những bệnh lý về đường tiêu hóa.

- Đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách và thường xuyên vệ sinh không gian sống của trẻ.

- Khi trẻ bị bệnh cần đưa trẻ đi khám sớm và điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng lên và chuyển sang mạn tính.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết