Hướng dẫn tập thể dục, thể thao với một số bệnh lý
Vận động thể lực, luyện tập thể dục thể thao (TDTT) được coi là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những người mắc những bệnh lý sau đây cần lưu ý khi tập TDTT:
1.Bệnh tim mạch: Bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, phình động mạch chủ, suy tim… là các bệnh tim mạch thường gặp, nguy hiểm đến sức khỏe nếu không kịp thời điều trị và là nhóm bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam. Bệnh mạch vành là bệnh do mạch máu vành tim bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa khiến cơ tim bị thiếu nuôi dưỡng và gây ra các cơn đau thắt ngực, nếu tần suất cơn đau ngày càng tăng, cường độ càng nặng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và các tổn thương vĩnh viễn ở tim. Việc tập TDTT như đi bộ cần được xem xét một cách cẩn trọng. Các bác sĩ khuyến nghị những người mắc bệnh tim mạch nên hạn chế hoạt động vận động mạnh vì việc tập luyện có thể khiến cho tim đập nhanh hơn, tăng áp lực trong mạch máu và thậm chí có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, vỡ mạch máu não dẫn đến tử vong.
2.Bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh lý làm cho nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị lệch ra khỏi vị trí bình thường, nhân nhầy có thể xuyên qua dây chằng cột sống và chèn ép vào các rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì, khó chịu, hạn chế vận động. Người bệnh có thể tập TDTT phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.Bệnh thoái hóa khớp gối
Khớp gối đóng vai trò quan trọng trong việc cho phép đôi chân của con người thực hiện các chuyển động linh hoạt. Khi mắc bệnh thoái hóa khớp gối, sụn bao phủ bề mặt của khớp có thể bị hao mòn, nứt, rách hoặc thậm chí hoàn toàn biến mất dẫn đến việc các đoạn xương trong khớp gối chà xát, va chạm với nhau, gây ra đau, sưng và cảm giác cứng khớp.
4.Bệnh về mạch máu
Bệnh về mạch máu như giãn tĩnh mạch chi dưới, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới, viêm tắc động mạch... gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Việc đi lại thường xuyên có thể tạo áp lực lên hệ thống mạch máu, gây ra sự tắc nghẽn, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Do đó, người mắc bệnh về mạch máu cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ điều trị để được hướng dẫn vận động phù hợp như gác cao chân, xoa bóp vừa phải..., tránh làm tăng áp lực trong mạch máu dẫn đến các biến chứng làm nặng bệnh.
Những người mắc các bệnh trên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện vận động, tập luyện TDTT để bảo vệ, nâng cao sức khỏe./.