Bệnh thủy đậu
Hiện nay, các địa phương của cả nước và tỉnh Thái Bình vẫn đang có rải rác các trường hợp mắc bệnh thủy đậu.
Bệnh thủy đậu (phỏng rạ) là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra ở da với biểu hiện là những mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể sốt cao, mệt mỏi, suy nhược.
Thủy đậu lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti được tiết ra từ đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện) hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng.
Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng. Như việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống chung với người đang bị thủy đậu.
Thủy đậu có thể khỏi và phục hồi nhanh chóng sau 7 – 10 ngày, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thủy đậu có thể biến chứng nghiêm trọng, phải nhập viện và thậm chí tử vong, nếu may mắn vượt qua các biến chứng của bệnh vẫn có nguy cơ rất cao di chứng kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý người bệnh.
Các biến chứng của thủy đậu
- Nhiễm trùng các nốt phỏng thủy đậu: Đây là tình trạng các nốt phỏng bị vỡ, vùng da thương tổn trở nặng, bị lở loét nghiêm trọng, nguy cơ cao nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu khuẩn...
- Viêm phổi: Biến chứng này thường xuất vào ngày thứ 3 đến thứ 5 của bệnh, dẫn đến suy hô hấp, phù phổi và gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Zona thần kinh: là biến chứng của bệnh thủy đậu do VZV tái phát sau nhiều năm khu trú ẩn trong cơ thể. Người mắc bệnh gặp các cơn đau dữ dội và có thể gây viêm dây thần kinh vận động, suy yếu cơ xung quanh vùng da phát ban. Các triệu chứng khác có thể bao gồm khô mắt, đau tai, ảnh hưởng đến thị lực, gây loét giác mạc, thậm chí mù lòa.
- Nhiễm trùng huyết: Là biến chứng rất nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chóng của bệnh thủy đậu, khi tác nhân gây bệnh là VZV từ các nốt phỏng rộp thủy đậu lan sang máu, dẫn đến tổn thương mô, suy nội tạng và tử vong nhanh chóng.
- Biến chứng thần kinh trung ương: Thủy đậu gây ra tình trạng ức chế điều hòa tiểu não ở mức độ nhẹ, thậm chí gây viêm não, viêm màng não đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Theo nghiên cứu, có khoảng 1/4.000 trường hợp mắc thủy đậu ở trẻ em dưới 15 tuổi có thể xuất hiện biến chứng mất điều hòa tiểu não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thần kinh trung ương.
- Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể truyền bệnh từ mẹ sang con, gây ra các tác động nghiêm trọng đến thai như dị tật thai nhi, dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.
Phòng bệnh thủy đậu
Chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng tiêm phòng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 - 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.
Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm để tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, cốc, chén, thìa, đũa, đồ chơi; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9/00, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.