Rụng tóc
Hiện nay, cùng với sự xuất hiện của nhiều bệnh khác thì rụng tóc cũng là một trong những bệnh khá phổ biến, gây ảnh hưởng thẩm mỹ, cũng có thể là nguyên nhân do cơ thể thiếu một số dưỡng chất và cũng là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý của cơ thể.
Rụng tóc có thể do các nguyên nhân: yếu tố môi trường, bệnh lý như: nấm, vi khuẩn gây viêm nang tóc, mắc bệnh sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết, giang mai...; yếu tố bên trong cơ thể: phụ nữ mang thai, sau sinh, mãn kinh...; rụng tóc do di truyền, tác động tâm lý; chăm sóc tóc không đúng cách: uốn tóc, nhuộm tóc quá nhiều, sử dụng các mỹ phẩm chăm sóc tóc không đúng...
1. Rụng tóc sinh lý
Rụng tóc sinh lý là tóc rụng theo vòng đời. Tóc mọc lên sau đó phát triển dài ra rồi theo thời gian sẽ già yếu và rụng đi, sau khi tóc rụng đi thì lớp tóc mới được sinh ra để thay thế cho lớp tóc cũ.
Mỗi ngày, một sợi tóc sẽ dài thêm 0.35mm, tức là khoảng 1cm/1 tháng. Trung bình mỗi ngày có 30-100 sợi tóc sẽ bị rụng đi, và cũng có khoảng chừng đó tóc được mọc thêm. Do đó, chẳng có gì đáng lo ngại nếu bạn thấy tóc rụng vài chục sợi mỗi ngày. Bởi đó chính là rụng tóc sinh lý thông thường, không có gì đáng lo ngại bởi sẽ có khoảng 100 sợi tóc được mọc lên mỗi ngày.
Mỗi sợi tóc sẽ có chu kỳ sống từ 2-6 năm (thời gian tóc mọc ở nữ thường kéo dài hơn ở nam). Tại một thời điểm, trên một mái tóc có đến 85-95% tóc đang ở giai đoạn mọc (anagen), 1-2% ở giai đoạn ngưng (catagen) và 5-10% tóc ở giai đoạn nghỉ, chờ rụng (telogen). Vì quá trình mọc và rụng tóc diễn ra đồng thời nên trong trường hợp sinh lý bình thường, lượng tóc hầu như không thay đổi.
2. Rụng tóc bệnh lý là tóc rụng quá 100 sợi mỗi ngày và rụng liên tục trong thời gian dài, không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu dễ nhận biết là mỗi khi gội đầu hoặc chải đầu thì tóc rụng từng nhúm một. Hoặc khi tóc khô, bạn đưa tay vuốt tóc thì tóc cũng rụng nhiều và vướng vào các kẽ tay.
Tóc rụng nhưng không mọc lại. Cho dù tóc rụng ít hay nhiều nhưng bạn có cảm giác tóc không hề mọc lại, bằng chứng rõ nhất là tóc bạn ngày càng mỏng và ít đi. Đặc biệt, khi xem da đầu bạn sẽ thấy rất ít tóc con được mọc lên thậm chí có những mảng rất thưa tóc.
Tóc rụng tập trung thành từng mảng. Tóc chỉ rụng ở một vị trí nhất định và cũng rất ít khi mọc lại. Nếu gặp tình trạng này thì chỉ sau một khoảng thời gian ngắn da đầu bạn sẽ bị lộ ra ở vị trí tóc rụng.
Tóc con mọc lên rất yếu và mảnh có khi xoăn tít. Điều này chứng tỏ cơ thể bạn đang thiếu dưỡng chất nên không thể nuôi dưỡng sợi tóc khỏe mạnh. Để khắc phục tình trạng này thì bạn nên gặp bác sĩ để biết cần phải bổ sung dưỡng chất gì tốt cho tóc hơn.
Tóc rụng kèm theo da dầu bị bong tróc, ngứa ngáy hoặc có nhiều vết hồng ban. Đây có thể là tình trạng rụng tóc do nấm da đầu nên cũng cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để ngăn rụng tóc hiệu quả.
Bệnh rụng tóc có nguyên nhân từ sự suy yếu của tế bào mầm tóc. Trong đó, các yếu tố tác động khiến tế bào mầm tóc suy yếu thường bắt nguồn từ sự rối loạn thần kinh nội tiết (khác nhau ở nam và nữ), di truyền, stress, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, viêm nhiễm... Khi tế bào mầm tóc suy yếu, tóc không thể hoạt động đúng chu trình dẫn đến tóc dễ rụng, mọc chậm và sợi tóc mảnh hơn bình thường.
Do đó, để phòng ngừa bệnh rụng tóc, mỗi người cần chăm sóc cơ thể toàn diện, nhất là chăm sóc tóc, gội đầu sạch sẽ, sử dụng dầu gội phù hợp riêng cho nam và cho nữ. Khi thấy tóc gãy, rụng nhiều mà không rõ nguyên nhân nên đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc, phát hiện các bệnh lý gây rụng tóc để được điều trị sớm, hiệu quả.